clock

Doanh Nghiệp

01:23 27-09-2019

“Hòa Phát muốn chứng minh Formosa là một tai nạn, ngành thép không phải ngành ô nhiễm”

“Chuyên gia nước ngoài đều thắc mắc tại sao Hòa Phát, một đơn vị sản xuất thép so với thế giới là nhỏ bé nhưng có thể làm công trình lớn như vậy”, ông Hồ Đức Thọ, Phó TGĐ Thép Hòa Phát Dung Quất nói.

“Chúng tôi làm sạch, ở Hải Dương đã đạt được, Dung Quất còn tốt hơn rất nhiều”

"Ban lãnh đạo và cán bộ Hòa Phát dành rất nhiều tâm trí vào đây", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long từng chia sẻ như vậy khi đề cập đến dự án Khu Liên Hợp Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) vốn đầu tư lên đến 3 tỷ USD.

Điều này đã được minh chứng trong 2 năm triển khai xây dựng, từ một bãi đất hoang, cỏ mọc, chăn bò do Quảng Liên để lại, thời điểm này tại Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất lò cao đầu tiên của nhà máy thép đã đi vào vận hành, lò cao thứ 2 dự kiến cuối tháng 10/2019 sẽ chạy và cứ sau 2-3 tháng sẽ vận hành lò cao số 3 và số 4.

Mục tiêu của Hòa Phát là trong quý II/2020 sẽ đưa toàn bộ khu liên hợp vào hoạt động đồng bộ. Trả lời câu hỏi của BizLIVE, ông Hồ Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, đến thời điểm này, Hòa Phát khẳng định đạt được tiến độ đề ra, không thể vượt được.

Ông Thọ cho biết, trước đây Hòa Phát đặt mục tiêu xong sớm hơn nhưng thủ tục làm dự án quá phức tạp, mất đến 7 tháng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới được cấp.

Việc ĐTM chậm được lãnh đạo Hòa Phát Dung Quất lý giải do sau sự cố tại nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh), các công ty làm dự án liên quan đến thép đều gặp khó khăn.

"Bình thường gửi bản ĐTM lên Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ trong vòng 1 tháng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem, lập hội đồng thẩm định nhưng với công trình như Hòa Phát phải 3-4 tháng sau mới được thẩm định", ông Thọ nói đồng thời nhấn mạnh việc “Hòa Phát muốn chứng minh Formosa là một vụ tai nạn không phải ngành thép gây ra sự cố, bản chất ngành thép không phải ngành ô nhiễm, gây ra thảm họa như vậy”.

"Hòa Phát đã chứng minh cho các bộ, ngành thấy là chúng tôi làm sạch, ở Hải Dương đã đạt được tiêu chí này và ở Dung Quất còn làm tốt hơn rất nhiều", ông Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thọ, đây là một công trình lớn, các chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư lớn đều thắc mắc tại sao Hòa Phát là một đơn vị sản xuất thép so với thế giới là nhỏ bé nhưng có thể làm một công trình lớn như vậy, thậm chí bản thân lãnh đạo Hòa Phát cũng không tin sẽ hoàn thành công trình với tiến độ như hiện nay.

Cạnh tranh tốt nhất là tốt và giá rẻ

Với lợi thế về quy mô, thép Trung Quốc đã và đang gây sức ép cạnh tranh lớn đối với thị trường thép tại các quốc gia xung quanh trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất.

Năm 2015, 2016, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép. Sản lượng thép của Trung Quốc chiếm tỷ lệ gần 50%, công suất tối đa hơn 1 tỷ tấn/năm.

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép dài, phôi thép đã phần nào hạn chế được lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tuy nhiên, do vẫn phải nhập một số loại thép đầu vào như phôi thép, thép cuộn cán nóng HRC... nên diễn biến giá thép Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thép Trung Quốc.

Trở lại câu chuyện của các nhà sản xuất thép trong nước, liệu Hòa Phát có lợi thế gì so với các đối thủ trong nước?

Thực tế, thép Hòa Phát có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một số nhà máy sản xuất thép tầm trung tại Trung Quốc bởi công nghệ sản xuất thép của Hòa Phát là công nghệ lò cao BOF với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện.

Hiện tại, ở Việt Nam, để sản xuất thép xây dựng, chỉ có Hòa Phát và Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sử dụng công nghệ lò cao. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền, máy móc của Tisco đã quá cũ và lạc hậu.

Bên cạnh đó là lợi thế quy mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác đã giúp Hòa Phát tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỷ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm. Đặc biệt, khi dự án Hòa Phát Dung Quất ra đời, lợi thế này sẽ càng được phát huy.

Vị trí địa lý của nhà máy ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến, sẽ giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu

Khẳng định “cạnh tranh tốt nhất là tốt và giá rẻ”, song như Phó TGĐ Hòa Phát Dung Quất, ông Hồ Đức Thọ cũng thừa nhận để trả lời đúng câu hỏi làm thế nào giá rẻ mà chất lượng là rất khó, nhưng đây là thực tế.

Theo đó, ông Thọ cho biết, về mặt chất lượng, Hòa Phát đang “đánh” vào thị trường chất lượng cao.

“Thép cứng vì thép công trình, còn người dùng thép dân dụng uốn thủ công rất khó uốn. Về mặt chất lượng tôi khẳng định thép Hòa Phát chất lượng hàng đầu. Còn làm sao để ra được giá rẻ với chất lượng như vậy?Ví dụ, thép xây dựng hướng tới 2 thị trường là dân dụng và công trình trong đó chú trọng vào thị trường công trình, nhiều người dùng có thể phản hồi thép Hòa Phát cứng, nhưng để cứng phải cho nhiều phụ gia, đây là những phụ gia đắt, khoảng gần 30 triệu/tấn thép.

Hòa Phát phải áp dụng công nghệ mới, siết chặt quản lý, công nghiệp hóa, lưu trình dài từ đầu đến hạ nguồn, từ khai thác quặng đến ra sản phẩm và thu hồi năng lượng triệt để”, ông Thọ nói.

Dẫn chứng về việc “thu hồi năng lượng triệt để”, ông Thọ đề cập đến nhà máy phát nhiệt điện dư Hòa Phát Dung Quất trong khu liên hợp, nhà máy tận dụng năng lượng dư thừa để phát điện gồm 4 tổ máy phát điện tổng 240MW, đáp ứng 60% nhu cầu điện cho toàn dự án.

 
 

theo BizLive