clock

Trong Nước

12:39 09-08-2018

Hơn 5.600 văn bản trái pháp luật được ban hành trong 2017

Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực...

Báo cáo đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật mà Bộ Tư pháp vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật được các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành.

Trong số trên gồm 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương chưa thực hiện việc phân loại nội dung trái pháp luật của các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng qua báo cáo từ các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có thể nhận thấy, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.

Cụ thể, riêng tại Bộ Tư pháp, trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, số văn bản sai chia theo lĩnh vực: 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của Bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%; 29 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực khoa giáo – văn xã (gồm 10 văn bản của Bộ, 19 văn bản của địa phương), chiếm 18%; 43 văn bản trong lĩnh vực nội chính (gồm 6 văn bản của Bộ, 37 văn bản của địa phương), chiếm 28%.

Qua số liệu phân loại trên, Bộ Tư pháp cho rằng, văn bản trái pháp luật được phát hiển ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế.

"Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh", Bộ Tư pháp đánh giá.

Theo Bộ Tư pháp, nhìn tổng thể, văn bản trái pháp luật thời gian qua đã gây ra những hậu quả ở những khía cạnh cụ thể. Thứ nhất, việc ban hành và thi hành văn bản trái luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Riêng trong năm 2017, số văn bản trái pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là 1.236 văn bản. Nội dung trái pháp luật của các văn bản này đã làm ảnh hưởng tới tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật.

Văn bản vi phạm quy định về nguyên tắc xây dựng pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm thẩm quyền ban hành văn bản đã thể hiện sự "nhờn luật", không nghiêm túc trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan nhà nước và nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Tư pháp, một số văn bản trái pháp luật, có nội dung hạn chế quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (04 văn bản) như : quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trái thẩm quyền; quy định thêm cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của doanh nghiệp làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp…

 

Lan Ca/ vneconomy