clock

Trong Nước

09:01 17-03-2023

Hợp tác xã Sài Gòn thu 1,3 tỷ USD/năm, giành lại ngôi vị số 1 Việt Nam về bán lẻ từ WinCommerce

Hệ thống bán lẻ của hợp tác xã này chiếm đến gần một nửa thị phần bán lẻ tại TP HCM, lớn hơn bất kỳ thương hiệu nào trong ngành như Winmart hay Bách Hóa Xanh.

Ngày 12/5/1989, UBND TP HCM có chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý Hợp tác xã Mua Bán Thành phố trở thành Liên hiệp HTX Mua bán TP HCM - Saigon Co.op với hai chức năng trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào hợp tác. Saigon Co.op là tổ chức kinh tế hợp tác xã theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Sự kiện nổi bật nhất của hợp tác xã này là sự ra đời siêu thị đầu tiên của hệ thống siêu thị Co.opmart là Co.opmart Cống Quỳnh vào ngày 9/2/1996, với sự giúp đỡ của các phong trào HTX quốc tế đến từ Nhật, Singapore và Thụy Điển.

Hợp tác xã Sài Gòn thu 1,3 tỷ USD/năm, giành lại ngôi vị số 1 Việt Nam về bán lẻ từ WinCommerce - Ảnh 1.

Đến nay, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM - Saigon Co.op - là đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, trung tâm thương mại SC VivoCity, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op, chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h Cheers, chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, Chuỗi cửa hàng Co.op, Cửa hàng Bến Thành (trong Chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM).

Sau 25 năm, Saigon Co.op đã nâng tổng số lượng siêu thị Co.opmart đi vào hoạt động cao hơn 128 lần so với xuất phát điểm ban đầu, song song với hơn 800 cửa hàng, đại siêu thị, trung tâm thương mại trực thuộc khác. Quy mô phân bố Co.opmart cũng được mở rộng từ TPHCM trải rộng đến 45 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Sau khi đạt mốc gần 1.000 điểm bán trong năm 2020, giữ vững thị phần và đạt doanh thu cao so với thị trường chung, kế hoạch mới của Saigon Co.op được hé lộ cho thấy nhà bán lẻ Việt đang hướng đến con số 2.000 điểm bán vào năm 2025, tăng gấp đôi so với hiện nay.

Hiện chuỗi siêu thị Co.opmart cùng với các mô hình bán lẻ hiện đại khác của Saigon Co.op được xem là xương sống của hệ thống phân phối hàng Việt Nam nói chung và hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá nói riêng với quy mô quốc gia, góp phần quan trọng trong việc can thiệp bình ổn giá cả thị trường, ổn định an sinh xã hội.

Hợp tác xã Sài Gòn thu 1,3 tỷ USD/năm, giành lại ngôi vị số 1 Việt Nam về bán lẻ từ WinCommerce - Ảnh 2.

Hệ thống siêu thị Co.opmart được phát triển về tận các địa phương vùng biên. Trong ảnh, người dãn lựa chọn mì ăn liền tại siêu thị Co.opmart Tân Châu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Dy Khoa.

Saigon Co.op đã lấy lại ngôi đầu trong ngành bán lẻ Việt Nam

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 mới được các đơn vị công bố, Saigon Co.op đã soán ngôi WinCommerce về thị trường bán lẻ. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh thu 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra. Trong đó, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu của Saigon Co.op. Đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh thu của Saigon Co.op vượt mốc 30.000 tỷ đồng.

"Kết quả trên cho thấy Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, chúng tôi phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ", ông Đức khi đó phát biểu.

Hợp tác xã Sài Gòn thu 1,3 tỷ USD/năm, giành lại ngôi vị số 1 Việt Nam về bán lẻ từ WinCommerce - Ảnh 3.

Năm 2022, Saigon Co.op ghi nhận doanh thu đạt 30.888 tỷ đồng. Ảnh: Dy Khoa.

Doanh thu năm 2022 của Saigon Co.op nhỉnh hơn so với con số 29.200 tỷ đồng của WinCommerce - hệ thống dẫn đầu năm 2021. Còn Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021.

 

Hồi năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) ước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu Saigon Co.op ước tính vượt 33.000 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại thị trường TP HCM, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị.

Saigon Co.op ưu tiên kinh doanh hàng Việt

Với 90% cơ cấu hàng Việt tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op quyết tâm theo đuổi con đường kinh doanh hàng Việt và là nhà phân phối thuần Việt.

Saigon Co.op tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước như ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông khuyến mãi... để phân phối và quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng cả nước.

Hằng năm, chuỗi cũng làm cầu nối của hàng Việt với người tiêu dùng Việt thông qua tổ chức nhiều chương trình kích cầu nhằm đẩy mạnh hàng Việt đến với người tiêu dùng. Từ năm 2009, Saigon Co.op đã nâng tầm chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành chương trình khuyến mãi "Tự hào hàng Việt" khi nhận thấy nhu cầu sử dụng hàng Việt ngày càng tăng cao trong cả nước.

Hợp tác xã Sài Gòn thu 1,3 tỷ USD/năm, giành lại ngôi vị số 1 Việt Nam về bán lẻ từ WinCommerce - Ảnh 4.

Saigon Co.op quyết tâm theo đuổi con đường kinh doanh hàng Việt và là nhà phân phối thuần Việt. Ảnh: Dy Khoa.

Từ đó đến nay, chương trình "Tự hào hàng Việt" được tổ chức định kỳ vào tháng 9 hằng năm tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood với mục tiêu tập trung giảm giá mạnh các sản phẩm nhu yếu nhằm thiết thực hỗ trợ tiêu dùng, qua đó nâng cao uy tín và tăng sức mua của các mặt hàng sản xuất nội địa.

VNDirect ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023, nhờ tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt; biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân; tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Hoa Kỳ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại vẫn tích cực.