clock

Doanh Nghiệp

01:00 10-01-2020

HSBC lý giải nguyên nhân thặng dư thương mại Việt Nam năm 2019 cao chưa từng có

Theo HSBC, Việt Nam đã có một năm kinh tế thành công nhờ 3 trụ cột: sản xuất, FDI và ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh.

4 ngày trước khi bước sang năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước châu Á đầu tiên công bố kết quả kinh tế năm 2019, kết quả tăng trưởng có thể coi là khá ấn tượng nếu xét đến bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, theo nhận định của ngân hàng HSBC trong báo cáo Vietnam at a glance mới đây.

Thặng dư thương mại năm 2019 cao chưa từng có dù toàn cầu bất ổn

Tăng trưởng GDP quý 4/2019 của Việt Nam đạt 7% so với cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 đạt 7,0%, đúng với dự báo 6,9% của ngân hàng HSBC và cao hơn mục tiêu từ 6,6% đến 6,8% của chính phủ Việt Nam.

Như vậy kinh tế Việt Nam đã có 2 năm tăng trưởng trên 7%, trước đó vào năm 2018, kinh tế Việt Nam cũng tăng trưởng được 7,1%. Xét đến chỉ số trong một số ngành và lĩnh vực khác, không khó để thấy tại sao Việt Nam lại đột biến hơn một số nền kinh tế khác trong khu vực.

Nhắc đến kinh tế Việt Nam, phải thấy rằng ngành sản xuất tăng trưởng nổi trội. Dù rằng mức độ tăng trưởng không còn được như năm 2018, ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và như vậy có năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng 2 con số (tốc độ tăng trưởng đạt 11,3%).

Ngược với nhiều nước châu Á khác phải chứng kiến tình trạng suy giảm của ngành sản xuất công nghiệp, ngành sản xuất Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đóng góp 30% vào tăng trưởng GDP. Ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng mạnh phản ánh cho việc vị thế của Việt Nam với quốc tế khá tốt.

Dù rằng thương mại toàn cầu còn nhiều bất ổn, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng được 7,9% trong năm 2019 nhờ vào xuất khẩu hàng điện tử tăng mạnh trong khi xuất khẩu hàng điện tử chiếm 40% tổng xuất khẩu nói chung. Điều này đặc biệt đáng quan tâm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 40% tổng tăng trưởng xuất khẩu.

Khi mà căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm trên toàn cầu trong năm 2019, không hề khó để hiểu tại sao xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng mạnh bởi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong hệ thống dây chuyền sản xuất hàng điện tử cấp thấp.

Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng 76% trong 7 tháng đầu năm 2019. Không chỉ hàng điện tử, ngành dệt may và da giày của Việt Nam cũng như máy móc thiết bị cũng tăng trưởng ổn định.

Nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng 7,5%, thặng dư thương mại Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD trong cả năm 2019, mức cao chưa từng có. Trên thực tế, thành tích tốt trong thương mại của Việt Nam có thể được lý giải bởi yếu tố điều hướng thương mại.

 

FDI góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

Cùng lúc đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài cao cũng góp phần quan trọng vào thành công kinh tế của Việt Nam. Dù rằng FDI đăng ký mới tăng trưởng hạ nhiệt, chỉ đạt 7% trong năm 2019, FDI trong ngành sản xuất tăng 33% chiếm 70% tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Xét đến nhóm các nước có nhiều nhà đầu tư nhất vào Việt Nam, Hàn Quốc nổi bật và vượt qua Nhật để trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải mới, nó là câu chuyện từ năm 2014 khi mà Samsung bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam. Căng thẳng thương mại leo thang, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chuyển địa điểm sản xuất, trong đó nổi bật nhất phải kể đến những cái tên như Apple, Google, Nintendo và Kyocera. Họ đã tiếp bước Samsung để lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ngay cả những nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục, trước đây vốn chỉ tập trung vào bất động sản, giờ cũng đang chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. FDI từ Trung Quốc tăng 95%, vì vậy Trung Quốc đại lục trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 vào Việt Nam trong năm 2019.

Ngành dịch vụ tăng trưởng ấn tượng nhờ số lượng khách du lịch cao đột biến

Không chỉ có một nền sản xuất vững vàng, ngành dịch vụ Việt Nam cũng đồng thời tăng trưởng tốt. Lĩnh vực này trong quý 4/2019 tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ và như vậy ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 8 năm. Nhiều lĩnh vực liên quan bao gồm bán lẻ, giao thông và dịch vụ tài chính tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ năm.

Khi mà Việt Nam trở thành điểm đến du lịch ngày một được yêu thích, tốc độ tăng trưởng cao của ngành dịch vụ cũng không quá khó lý giải nếu xét đến lượng du khách vào Việt Nam cao đột biến. Sau khi được lựa chọn là một trong những điểm đến tốt nhất của năm 2019, Việt Nam lập kỷ lục đón 18 triệu khách du lịch trong năm 2019, và như vậy đã có 4 năm liên tiếp số lượng khách du lịch trên 10 triệu người.

Xét theo từng nước và vùng lãnh thổ, 80% du khách đến Việt Nam đến từ châu Á, trong đó có Trung Quốc (32%), Hàn Quốc (24%). Xét đến số lượng khách du lịch cao đột biến này, Việt Nam giờ đã đạt mục tiêu đón 17-20 triệu khách du lịch vào năm 2020 sớm hơn thời hạn 1 năm và giờ đây đang đặt mục tiêu đón 20,5 triệu khách du lịch vào năm 2020.

Xét đến mức chi tiêu của du khách, HSBC tin rằng tổng mức chi tiêu của du khách có thể vượt mức 30 tỷ USD, nhờ vậy Việt Nam có nguồn ngoại hối quan trọng và vì vậy giảm được thâm hụt tài khoản vãng lai.