clock

Doanh Nghiệp

12:30 22-12-2015

Humix - Chung tay xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhu cầu nâng cao năng suất của các loại cây trồng cũng được coi là mục tiêu trọng tâm trong canh tác nông nghiệp, trong đó việc sử dụng các loại phân hóa học là một trong những phương tiện nhằm đạt được mục tiêu đó.

Tuy nhiên, số lượng Phân hóa học sử dụng ngày càng tăng trên một đơn vị diện tích canh tác đã gây ra những hậu quả tiêu cực như làm cho đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng, dư lượng tồn đọng các chất độc hại trong nông sản gia tăng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Thực trạng này đòi hỏi các nhà sản xuất phân bón hữu cơ phải nỗ lực hơn trong việc chung tay cùng nông dân tích cực tái tạo lại sự cân bằng sinh thái, trả lại sự màu mỡ cho đất canh tác, hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Là một đơn vị có bề dày hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ, Công ty Cổ phần Hữu Cơ (HUMIX) đã và không ngừng hướng tới mục tiêu này.

Sau nhiều nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học nông nghiệp, HUMIX đã cho ra thị trường nhiều loại phân bón hữu cơ dưới dạng viên, bột, lỏng. Tất cả các dòng sản phẩm này là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu hữu cơ, các khoáng chất giàu dinh dưỡng, các chủng sinh vật hữu ích và một số hợp chất cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài. Qua trao đổi với Ông Nguyễn Văn Linh - Tổng Giám đốc công ty, ngoài chiến lược xây dựng thương hiệu phân bón hữu cơ trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang tiềm ẩn nhiều mối nguy về lạm dụng phân bónhóa học, những vấn đề hội nhập của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã được chia sẻ dưới góc độ của một người tâm huyết với nghề.

Sau chặng đường 17 năm phát triển, đến nay HUMIX đã trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực sản xuất phân hữu cơ với thị trường và thị phần không ngừng mở rộng cả trong và ngoài nước. Ông hãy chia sẻ quan điểm về xây dựng thương hiệu và cách ông đã phát triển thương hiệu HUMIX thế nào để công ty có được vị thế như hôm nay?

HUMIX là một thương hiệu phân bón hữu cơ sinh học ở Việt Nam đã có mặt trên thị trường từ cuối năm 1997 với doanh lượng năm đầu chưa tới 3.000 tấn được sản xuất trong một cơ sở thô sơ chật hẹp. Sau 17 năm hoạt động, hiện nay HUMIX đã trở thành một công ty bề thế ở Việt Nam chuyên sản xuất phân hữu cơ sinh học với doanh lượng hàng năm khoảng 70.000 tấn sản phẩm ở thể rắn (dạng bột, viên, thỏi đùn) và 500.000 lít sản phẩm dạng lỏng. Đây là những con số chưa lớn trong một đất nước mà nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính với diện tích đất nông nghiệp hơn 10 triệu hecta, nhưng nếu nói về phân hữu cơ do một cơ sở sản xuất thì đã là con số phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được. Phân hữu cơ sinh học HUMIX ngày nay không những là một thương hiệu quen thuộc trong cộng đồng nông nghiệp Việt Nam mà còn được nông gia nhiều nước biết tới, trong đó phải kể đến những nước có nền nông nghiệp cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia và New Zealand.

Nhìn lại chặng đường 17 năm hoạt động và phát triển, để thương hiệu HUMIX đi tới chỗ có tên tuổi trên thị trường, ngoài những bước căn bản trong quy trình xây dựng thương hiệu như chọn tên, chọn biểu tượng, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nhân viên để thể hiện sắc thái riêng, chúng tôi đã áp dụng chiến lược tuy đơn giản, chậm nhưng chắc qua các bước, mỗi bước được hoạch định chặt chẽ, kết hợp nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực liên quan: Bước một: Để người tiêu dùng biết tới thương hiệu. Giai đoạn này kéo dài trong hai năm đầu, từ năm 1998 tới hết năm 1999; Bước hai: Để người tiêu dùng nhớ tới thương hiệu. Giai đoạn này kéo dài trong ba năm kế tiếp, từ năm 2000 tới năm 2002; Bước ba: Để người tiêu dùng đi tìm thương hiệu; Bước bốn: Phát triển mạnh trong nước và vươn ra thị trường thế giới: Từ năm 2004 trở đi.

Ông NGUYỄN VĂN LINH - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Hữu Cơ (HUMIX)

Là một công ty ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phân hữu cơ để cho ra nhiều dòng sản phẩm vượt trội về tính năng, ông có gặp khó khăn gì khi tiếp cận thị trường?

Khi khởi nghiệp chúng tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều trước khi dấn thân vào con đường không mấy người mặn mà này vì sản xuất phân bón hữu cơ sinh học là một ngành nhìn thì tưởng dễ nhưng đụng vào rồi mới thấy khó, sản phẩm tưởng là mới nhưng thực ra cha ông chúng ta đã sử dụng từ lâu, nhưng bây giờ mình áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh học để sản xuất theo quy mô công nghiệp… Dĩ nhiên trong bối cảnh nước mình vừa mở cửa, những khái niệm mới còn lạ lẫm, thiếu người hiểu biết tường tận để cộng tác và hướng dẫn, người tiêu dùng thì đón nhận sản phẩm một cách thờ ơ nếu không muốn nói là miễn cưỡng, việc quản lý của các cơ quan chức năng liên quan thiếu sự nhất quán… làm sao tránh khỏi những khó khăn. Nhưng điều đó không làm chúng tôi nản chí buông xuôi mà ngược lại chúng trở thành những nhân tố thách thức, kích thích sự hăng say và liều lĩnh.

Hiện nay, xu hướng trồng trọt các loại cây trồng và rau củ quả theo phương pháp hữu cơ đang được nhiều người quan tâm và nhân rộng mô hình canh tác bởi sẽ cung cấp cho thị trường những loại thực phẩm sạch đúng nghĩa. Là một nhà sản xuất phân hữu cơ, HUMIX có dự tính sẽ phối hợp cùng các cá nhân, các nhà khoa học hoặc công ty như vậy để thực hiện một chương trình liên kết hợp tác theo mô hình chuẩn như các nước có nền nông nghiệp tiên tiến?

Nói về nông sản hữu cơ theo đúng quy định thì ngay cả ở các nước có nền kinh tế phát triển, nông sản hữu cơ cũng chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm nhường, chưa có nước nào mà con số này vượt quá 10%. Mục đích nhắm tới việc sản xuất nông sản hữu cơ ở Việt Nam hay chủ trương phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là không thiết thực vào lúc này, vì áp lực của vấn đề an ninh lương thực vẫn nặng hơn đòi hỏi chất lượng bữa ăn. Tuy nhiên, sử dụng phân hữu cơ để hướng tới nền nông nghiệp bền vững lại là một đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh phân hóa học đã bị lạm dụng gây ảnh hưởng xấu không những tới chất lượng nông sản mà còn tới đất đai canh tác. Sử dụng phân hữu cơ như là một giải pháp giúp nền nông nghiệp thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn sử dụng phân – thuốc mỗi ngày một tăng như hiện nay và nâng cao chất lượng nông sản để tham gia thị trường khu vực và thế giới trong bối cảnh mà sự hội nhập được nhắc tới hàng ngày trên môi mỗi người dân và trên tất cả các phương tiện truyền thông lại là một vấn đề cấp thiết. Việc kết hợp với những cá nhân, các nhà khoa học hay đơn vị kinh doanh khác để xây dựng một mô hình liên kết hợp tác sản xuất nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà chúng tôi đã làm, đã liên kết và đã có những hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, nói thật là sau nhiều thử nghiệm, chúng tôi đã không thành công vì nhiệt tình của mình chưa thắng nổi tập quán của người nông dân trong khi các cơ quan chức năng chỉ làm công tác tạo phong trào nên việc làm này chưa phát huy được tác dụng. Tuy đã thất bại nhưng chưa bao giờ chúng tôi từ bỏ ý định này vì luôn vững tin vào sự cần thiết của những chương trình kết hợp quy mô một ngày gần đây trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng nông sản phải được đáp ứng.

Hàng năm, HUMIX tái đầu tư bao nhiêu cho việc nghiên cứu các dòng sản phẩm mới và ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bộ phận R & D của công ty?

Công việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tìm tòi và tiếp nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp để áp dụng trong việc phát triển sản phẩm luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu và dành nhiều ưu tiên cho công việc này nhưng cũng luôn phải song hành cùng sự phát triển về quy mô và tầm cỡ của công ty. Chúng tôi không mấy khi quan tâm tới việc giành ra bao nhiêu tiền cho các hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới nhưng các hoạt động phát triển sản phẩm được chia làm hai dạng: Làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm đang lưu hành và Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Có khi bộ phận kỹ thuật của chúng tôi phải bỏ ra cả năm trời nghiên cứu để giải quyết một khía cạnh nào đó trước khi đưa ra được một sản phẩm mới. 

Nhân viên của Humix đang làm việc trong phòng kỹ thuật

Các sản phẩm mang thương hiệu HUMIX đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, ông có dự định sẽ phát triển công ty thành một tập đoàn nông nghiệp không chỉ sản xuất phân bón mà còn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp khác?

Ngay từ khi mới thành lập chúng tôi đã chọn con đường phát triển bền vững và luôn có mong muốn hoạt động với quy mô lớn hơn để trở thành một thực thể lớn chuyên ngành (chứ không tham vọng hoạt động đa ngành) chuyên sản xuất và cung cấp cho cộng đồng nông dân trong và ngoài nước những sản phẩm và dịch vụ trong nông nghiệp. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp xúc với một vài tập đoàn lớn chuyên hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp của Nhật, Mỹ và New Zealand để xúc tiến việc liên doanh hoặc liên kết hoạt động trong lãnh vực này và hy vọng trong năm 2016 sẽ chứng kiến sự ra đời của một liên doanh như vậy.

Theo ông, người điều hành một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có gì áp lực hơn với các lĩnh vực khác. Tại HUMIX, cách ông truyền lửa cho nhân viên thế nào để họ hăng say và có trách nhiệm hơn trong công việc?

Đã điều hành hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, người lãnh đạo nào cũng chịu áp lực và mỗi người có cách đối phó với các áp lực khác nhau. Trong hoạt động quản lý, để làm cho nhân viên cảm thấy yêu nghề và thích thú trong công việc, tôi đã có những quyết định ở các cấp độ khác nhau nhằm mục đích trang bị cho họ những kiến thức cần thiết, xây dựng niềm tin bằng cách để họ trực tiếp tham gia vào các công việc liên quan tới nông nghiệp ngoài phạm vi chuyên môn như: cùng chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong khuôn viên công ty, cùng tham gia trồng rau và cây ăn trái để họ trải nghiệm sự khác biệt cả công việc lẫn chất lượng nông sản, bố trí cho họ tham gia các chuyến công tác thực tế, tiếp xúc với nông dân với mục đích vừa làm vừa chơi để họ ý thức về giá trị việc làm. Đồng thời, tôi còn giao cho các nhân viên liên quan cùng tham gia giải quyết các sự cố trong sản xuất và kinh doanh cũng là cách khơi dậy tinh thần trách nhiệm của họ. Bên cạnh đó, tôi cũng kích thích lòng ham muốn về một viễn cảnh hoạt động trong một quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế bằng cách thường xuyên bố trí để họ cùng tham gia các buổi làm việc với các đối tác nước ngoài, cung cấp các thông tin và hình ảnh về các hoạt động của các doanh nghiệp lớn trên thế giới hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để các cán bộ quản lý tham quan cơ sở ở nước ngoài của các đối tác kinh doanh để họ học hỏi cung cách làm việc của người khác và ý thức về công việc của mình.

Chiến lược phát triển sản phẩm của công ty trong giai đoạn sắp tới, khi VN đã gia nhập cộng đồng các nước TPP và sắp tới là AEC, một cơ hội lớn cho các công ty trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, thưa ông?

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cơ hội lớn qua việc hội nhập với các định chế kinh tế và tài chính mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, việc tham gia các định chế này dường như chưa phát huy hết tác dụng mà chỉ mới như những cơ hội để chúng ta làm quen với việc giao lưu quốc tế mà thôi. Điều này cũng dễ hiểu bởi những hoạt động kinh doanh của chúng ta mới sôi nổi từ khi mở cửa và các nhà làm kinh tế của chúng ta còn non trẻ trong lĩnh vực này cộng thêm trở ngại ngôn ngữ cũng hạn chế nhiều những cơ hội giao thương. 

Chúng ta cũng nên nhớ là WTO hay TPP đều là những định chế hoạt động đa chiều, mình nghĩ tới những cơ hội xâm nhập thị trường người ta thì người ta cũng nghĩ tới những cơ hội xâm nhập thị trường của mình, mình nghĩ tới những quy định về hàng rào thuế quan sẽ tạo thuận lợi cho mình thì người ta cũng nghĩ như thế. Theo ý riêng của tôi, khi tham gia vào các định chế kinh tế như thế này, cần phải đảm bảo các yếu tố sau: Thứ nhất cộng đồng doanh nghiệp phải được cung cấp đầy đủ thông tin và hiểu rõ các quy định trong các hiệp ước để nắm vững luật chơi; Thứ hai là các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm phải hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp non trẻ của mình tối đa ở các công việc và lĩnh vực thuộc thẩm quyền; Thứ ba là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm bảo vệ phần sân chơi của mình, trong khi nỗ lực tìm cách xâm nhập thị trường các nước thì đừng lơ là việc bảo vệ thị phần trong nước.

Là một người gắn bó với ngành nông nghiệp nhiều năm, nếu được tham mưu cho Chính phủ trong việc quy hoạch và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sắp tới, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp made in VN, ông sẽ đề xuất gì?

Nói về việc tham mưu cho Chính phủ thì đây là một công việc quá lớn lao đối với cá nhân chúng tôi cũng như với một doanh nghiệp quy mô như HUMIX. Tuy nhiên, ở góc độ của một người làm kinh doanh, việc đi tìm thị trường, tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu rồi đáp ứng yêu cầu của thị trường đó là những việc cần làm. Trong bối cảnh nước mình đang tham gia vào các định chế kinh tế mang tính khu vực và toàn cầu như đã nói ở trên, mình cần củng cố để giữ vững vị trí đang có, bảo vệ được các thị phần đang chiếm lĩnh và mở rộng sang những thị phần khác là những bước đi cần thực hiện một cách vững chắc. Ở cấp vĩ mô, Nhà nước cũng đã công bố các tiêu chuẩn quốc tế và khuyến khích người dân áp dụng như VIETGAP, ASIANGAP, EUREPGAP, GLOBAL GAP… ISO; về thực hiện thì chúng ta cũng đã có những cánh đồng mẫu lớn mẫu nhỏ, những khu quy hoạch canh tác hữu cơ hoặc canh tác theo tiêu chuẩn an toàn… nhưng kết quả đạt được mới chỉ là giảm bớt các ca ngộ độc thực phẩm chứ chưa dứt hẳn và người dân nghe quen tai với khái niệm rau sạch, rau an toàn… chứ chưa thực tâm thực hiện. Trong lĩnh vực phân tích và quản lý chất lượng là một thí dụ điển hình, một mẫu vật đem phân tích ba nơi, mỗi nơi đưa ra một kết quả khác nhau mà khác rất xa, rất nhiều chứ không phải chỉ là những sai số chấp nhận được và cuối cùng thì người đem mẫu đi phân tích cũng chẳng biết mình làm đúng hay sai mà trọng tài thì không có hoặc nếu có thì cũng khó mà thực hiện nhiệm vụ khi không có một định chế chung.

Tất cả những gì chúng tôi có thể góp ý được với Chính phủ thì Chính Phủ cũng đã làm từ lâu, chỉ có vấn đề là làm không nghiêm, cán bộ chuyên trách không đủ và nhiều thiếu sót do cách quản lý con người mà ra. Hãy thực hiện nghiêm, áp dụng đúng những gì chúng ta đã đặt ra và đang có, sau đó đẩy mạnh công tác tìm kiếm, xác định thị trường chiến lược và thực hiện những công việc để đáp ứng yêu cầu của thị trường đó theo quy định chung của những định chế kinh tế và tài chính mà chúng ta đã, đang và sắp tham gia là những hoạt động thiết thực nhất vào lúc này.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

 

P.V