clock

Tài Chính

08:45 07-12-2015

IMF: Việt Nam cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để tránh các cú sốc bên ngoài

Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam chỉ ra cải cách cơ cấu còn khiêm tốn, việc giải quyết nợ xấu, tiến độ cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và các DNNN còn chậm

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn đánh giá, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng khen ngợi trong việc giảm nghèo và ổn định kinh tế trong những năm gần đây. Môi trường lạm phát thấp hiện tại và được kỳ vọng thấp là một cơ hội lý tưởng để các nhà chức trách chuyển sang cơ chế sử dụng lạm phát làm neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để giúp nền kinh tế tránh được các cú sốc bên ngoài.

“Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn đồng thời chính sách tiền tệ tập trung vào duy trì lạm phát thấp và ổn định cùng với củng cố tài khóa hỗ trợ tăng trưởng sẽ làm nền kinh tế Việt Nam ổn định hơn và đảm bảo sự bền vững tài khóa khi phải đối mặt với môi trường bên ngoài không ổn định”, ông khẳng định.

Báo cáo của IMF cho rằng, chính sách tiền tệ có thể nới lỏng trong ngắn hạn vì lạm phát rất thấp nhưng nên thiên theo hướng thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát xuất hiện. Tăng trưởng tín dụng cao, nếu được duy trì, có thể sẽ làm dấy lên những quan ngại về ổn định tài chính do vậy nên được kiềm chế thông qua việc thắt chặt các chính sách an toàn vĩ mô.

Ông Dunn cũng chỉ ra cải cách cơ cấu còn khiêm tốn. Một số hành động đã được thực hiện để thúc đẩy các cải cách khu vực ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động từ tháng 10/2013 và đã hấp thụ đáng kể các khoản nợ xấu từ bảng cân đối của các ngân hàng. Song, việc giải quyết nợ xấu còn chậm do những trở ngại về pháp lý và các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu bán cho VAMC trong khoảng thời gian từ 5-10 năm theo cách tiếp cận hiện nay. Những nỗ lực tái cơ cấu được thực hiện tại một số ngân hàng thương mại thông qua các cuộc sáp nhập và các ngân hàng yếu kém đã được NHNN mua lại.

Ngoài ra, tiến độ cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và các DNNN còn chậm, mặc dù Chính phủ gần đây tuyên bố sẽ cổ phần hóa hoàn toàn 10 DNNN đang làm ăn có lãi có thể sẽ tiếp thêm đà cho quá trình cổ phần hóa này.

IMF khuyến nghị tiến hành cải cách nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và các DNNN, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo công ăn việc làm và những cơ hội cho lực lượng lao động đầy nhiệt huyết và đang tăng nhanh của Việt Nam.

Cải cách khu vực tài chính vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Một hệ thống ngân hàng được quản lý tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua làm trung gian chuyển các nguồn lực tới các ngành hoạt động có hiệu quả nhất. Tái cơ cấu ngân hàng dựa trên những đánh giá phân tích, củng cố khu vực ngân hàng và nhận diện các tổn thất do nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu, tất cả những việc này cần phải được đẩy mạnh. Một thành phần quan trọng là cải cách pháp lý tạo điều kiện chuyển nhượng tài sản thế chấp và hỗ trợ xử lý các ngân hàng không có khả năng tồn tại; cần tăng cường nỗ lực cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng với nguồn vốn từ các cổ đông mới hoặc hiện tại.

Bên cạnh đó, VAMC nên có các nguồn lực và nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu và bán tài sản thế chấp. Nói rộng hơn, sự phát triển thị trường vốn và cơ chế định giá cho các khoản nợ doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ qua việc loại bỏ những giới hạn hiện tại đối với thị trường trái phiếu chính phủ trong nước.

IMF nhận định kế hoạch cải cách DNNN trong giai đoạn 2016-2020 sắp tới là một cơ hội tốt để đề ra các mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện cải cách các DNNN. Ngoài việc đặt ra các mục tiêu cổ phần hóa, nên chú trọng đến tính minh bạch, quản trị, quản lý nhằm tăng năng suất, cải cách hoạt động phối hợp nỗ lực cải cách DNNN giữa các bộ ngành.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do gần đây mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, đồng thời thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực DNNN, giúp các doanh nghiệp tiếp cận một cách bình đẳng các thị trường và nguồn lực bao gồm cả đất đai và vốn.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ