clock

Trong Nước

12:02 21-09-2015

IPO năm 2015: Nhạt nhòa vì ít “hàng khủng”

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng những thương vụ IPO gây được tiếng vang lớn trên thị trường dường như không còn “sôi động” như thời gian trước đó.

Thiếu “bom tấn”
Còn nhớ năm 2014, thị trường xôn xao liên tục bởi hàng nóng IPO liên tục được tung ra thị trường như Vocarimex, Sasco, Vietnam Airlines, Đạm Cà Mau…
Những thương vụ nghìn tỷ này khuấy động thị trường một thời gian khá dài cả trước và sau khi diễn ra IPO. Nhưng tình hình năm nay có vẻ trầm lắng hơn rất nhiều khi không có nhiều thương vụ “bom tấn” đáng chờ đợi. 
Nhà đầu tư từng kỳ vọng vào đợt IPO quy mô lớn bậc nhất năm 2015 là ACV – Tổng công ty Cảng Hàng Không. Tuy nhiên mặc dù hứa hẹn sẽ IPO vào quý III năm nay nhưng đã gần hết tháng 9, thị trường vẫn chưa đón nhận thêm thông tin nào mới từ “ông lớn” này. 
Còn một doanh nghiệp lớn khác cũng sẽ thực hiện IPO trong năm nay là Mobifone. Nếu đúng theo lộ trình, Mobifone sẽ thực hiện công bố giá trị doanh nghiệp trong quý III và tiến hành IPO trong quý IV.
Mới đây, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, để cổ phần hóa, MobiFone đã ký hợp đồng với CTCK Bản Việt để tư vấn định giá và chuẩn bị cho IPO.
Năm 2014, HSC từng đưa ra ước tính giá trị của MobiFone vào khoảng 3,4 tỷ USD và có thể lên đến 4 tỷ USD sau IPO. 
Ngoài ra, còn một thương vụ IPO nữa đáng chờ đợi là của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air. Kế hoạch này chưa được tiết lộ song được biết, Vietjet Air dang dự kiến trong năm nay một kế hoạch huy động vốn, có thể là một trong những đợt IPO lớn nhất Việt Nam. Lãnh đạo hãng hàng không này cũng đã từng xác nhận công tác kiểm toán chuẩn bị cho IPO đang hoàn tất. 
Mặc dù kế hoạch ban đầu là lựa chọn thị trường nước ngoài như Hong Kong hoặc Singapore để IPO, nhưng doanh nghiệp này đã quay lại lựa chọn thị trường trong nước. 
Do đó, mặc dù tình hình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng những tháng đầu năm khá trầm lặng, song nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một đợt cạnh tranh sôi nổi hơn trong những tháng cuối năm này.
Gánh nặng cổ phần hóa
Theo kế hoạch, năm 2015 cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước(DNNN). Theo thông tin từ Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, tính đến 6 tháng đầu năm 2015, mới chỉ có 61/289 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, đạt 21% kế hoạch.
Ngoài ra, Chính phủ còn bổ sung thêm 125 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm nay, nâng tổng số doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa lên 414 đơn vị. Với nhiệm vụ nặng nề này, nhiều chuyên gia đều khẳng định năm nay khó có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa đề ra.
Số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa lớn, trong khi thị trường chứng khoán năm 2015 cũng có khá nhiều biến động khiến nhiều nhà đầu tư khá ngần ngại trong việc chi tiền. Trừ những doanh nghiệp có tiềm năng lớn và sức hút từ những khoản tài sản khác về bất động sản, lợi thế kênh phân phối… được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp ipo thất bại và phải chào bán lại cổ phần.
Trong một nhận định đánh giá về tiến trình và chất lượng của công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, EuroCham cho rằng cổ phần hóa DNNN trong thực tế vẫn chưa đạt đến hiệu quả tiềm năng cao nhất. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nếu  họ có thể nắm quyền ra quyết định trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vào đó, lượng cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư tư nhân thường được đánh giá là quá thấp để thu hút đầu tư chiến lược từ khối tư nhân.
Hơn nữa, trong thực tế, cổ phần hóa thường có nghĩa là cổ phiếu được bán cho chính người lao động của các DNNN đó. Với những lý do này, cho đến nay, sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài trong việc đầu tư vào DNNN vẫn còn khá thấp.
 

Nguyên Minh/ Bizlive