clock

Công Nghệ

01:07 26-11-2018

Kế hoạch B cho iPhone

Chiếc iPhonE đã sớm được Apple lên kế hoạch dự phòng, nhưng các nhà cung cấp linh kiện cho iPhone thì không.

Trong một thế giới mà nhu cầu iPhone đang suy yếu, Apple Inc. đã có kế hoạch B cho chiếc smartphone này. Theo đó, khi các khách hàng chờ lâu hơn giữa các đợt nâng cấp iPhone và thị trường smartphone bão hòa, Apple có thể sẽ tính mức giá cao hơn đối với mỗi chiếc iPhone và thu nhiều tiền hơn từ các dịch vụ như streaming nhạc, video kỹ thuật số và lưu trữ dữ liệu. Nhưng không có kế hoạch dự phòng nào cho nhiều nhà cung cấp linh kiện cho iPhone.

Bằng chứng mới nhất cho thấy điều gì tồi tệ với Apple có thể rất tồi tệ với các nhà cung cấp là hai sự kiện ở hai châu lục xảy ra cách nhau chỉ vài giờ đồng hồ. Japan Display Inc. (Nhật), với hơn 50% doanh thu đến từ iPhone, đã cắt giảm dự báo triển vọng kinh doanh. Ngay sau đó, Lumentum Holdings Inc. (Mỹ), một nhà sản xuất các cảm biến nhận diện khuôn mặt cho iPhone, đã hạ dự báo triển vọng của quý II.

“Các nhà cung cấp linh kiện cho iPhone dựa vào lượng bán ra của chiếc smartphone này còn nhiều hơn cả Apple, mang đến rủi ro gia tăng cho những đơn vị còn lại trong chuỗi cung ứng”, Woo Jin Ho, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận xét.

Thứ Hai tuần qua, giá cổ phiếu Apple đã giảm 5%, nhưng giá Lumentum lại sụt hơn 30% và đối thủ II-VI Inc. giảm 13%. LG Innotek Co. của Hàn Quốc, vốn có khoảng phân nửa doanh thu đến từ Apple, cũng đã giảm tới 9,5%. Giá cổ phiếu Japan Display giảm tới 11%.

Trước một thị trường smartphone đang bão hòa, chiến lược mà Apple đã áp dụng là “chiêu dụ” khách hàng móc hầu bao nhiều hơn cho những chiếc điện thoại có những đặc tính mới như nhận diện khuôn mặt và có màn hình sống động hơn.

Những linh kiện cảm biến 3-D từ các công ty như Lumentum đã được tìm thấy ở những chiếc iPhone mà thường có giá hơn 1.000USD. Ít người có khả năng chi một số tiền lớn như thế để sắm một chiếc điện thoại mới.

Nhưng khi có một đợt bán hàng, các nhà cung cấp lại được thanh toán một lần cho phần linh kiện mà họ cung cấp, trong khi Apple có thể thu về thêm hằng trăm USD trên mỗi chiếc iPhone. Trong quý gần nhất, Apple cho biết lượng iPhone bán ra gần như không tăng, nhưng doanh thu từ iPhone đã tăng tới 29% so với cách đây 1 năm.

Nếu nhu cầu đối với các chiếc iPhone mới hơn, đắt đỏ hơn suy giảm, Apple có thể giảm đặt hàng linh kiện hoặc hoãn nhận linh kiện, khiến cho các nhà cung cấp bị dồn hàng tồn kho. Điều đó có thể buộc họ phải giảm giá linh kiện hơn nữa khi Apple quay lại bàn đàm phán.

Dự báo doanh số ảm đạm hơn của Lumentum là kết quả của việc giảm đơn hàng từ khách hàng lớn nhất chỉ cách đây vài ngày, CEO Alan Lowe tiết lộ trong một cuộc họp ở San Francisco ngày 12.11. Lumentum không nói rõ vị khách hàng đó là ai, nhưng theo số liệu từ Bloomberg, đó chính là Apple.

Apple ngày càng “rêu rao” thành tích 1,3 tỉ thiết bị được lắp ráp, hơn là số liệu có bao nhiêu chiếc iPhone bán ra mỗi quý. Và Apple cũng đang tiến hành những thay đổi để duy trì sự hài lòng của các khách hàng hiện hữu, trong khi bán nhiều thiết bị hơn cho họ. “Apple không còn là một công ty phần cứng truyền thống.

Apple đang dần không tập trung vào bán thiết bị, mà hướng đến một mô hình kinh doanh dựa vào các dịch vụ có thể dễ dàng dự đoán hơn”, Gene Munster, nhà phân tích lâu năm về Apple tại Loup Ventures, nhận xét.

Năm nay, Apple đã có một số động thái kéo dài thời gian sử dụng của iPhone. Điều này có thể sẽ không khuyến khích người tiêu dùng nâng cấp lên các thiết bị mới, một tín hiệu bi quan khác cho các nhà cung cấp. Và đầu năm nay, Công ty xác nhận đã cố tình giảm hiệu năng của một số mẫu iPhone cũ hơn để tránh các vấn đề liên quan đến pin. Sau khi bị phản đối, Công ty đã cung cấp các phiên bản pin nâng cấp giá rẻ, kéo dài vòng đời của nhiều thiết bị.

Gần đây, Apple đã tung ra một phiên bản mới của hệ điều hành iOS 12, hỗ trợ tới 28 dòng máy trong đó có cả các mẫu đã bán trong năm 2013. Phần mềm mới này có thể mở camera trên các chiếc iPhone đời cũ hơn với tốc độ nhanh hơn 70% và bàn phím nhanh hơn 50% so với iOS 11, phiên bản cập nhật của năm ngoái.

“Các sản phẩm tuổi thọ cao có thể làm khách hàng hài lòng hơn, có thể giúp Apple tính giá cao hơn đối với các thiết bị và giúp Công ty hoàn thành các mục tiêu môi trường”, Toni Sacconaghi, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co, nhận xét. Điều đó có thể kéo dài vòng đời thay thế iPhone từ 6 tháng đến 3,2 năm và giảm 6% lượng thiết bị bán ra mỗi năm, theo ước tính của Sacconaghi.

Với những chiếc iPhone có tuổi thọ cao hơn, người sử dụng có thể sẽ hứng thú đăng ký các dịch vụ mới hơn, giúp mang lại lợi nhuận cao hơn cho Apple chứ không chỉ là nguồn thu từ bán sản phẩm. Nhưng những thiết bị này lại không phải là các nguồn doanh thu tăng thêm cho các nhà cung cấp thiết bị.

Hiện tại, để sống sót trước một thị trường đang bão hòa, một số nhà cung cấp thiết bị đã tiến hành M&A. Thương vụ sáp nhập trị giá 3,2 tỉ USD giữa 2 nhà sản xuất linh kiện quang học II-VI và Finisar Corp. được công bố đầu tháng 11 sẽ tạo ra một công ty lớn hơn mà có thể đàm phàn tốt hơn về giá với Apple.

 
 

theo Nhịp cầu đầu tư