clock

Trong Nước

08:21 28-10-2022

Kết nối để "cứu" siêu bến xe ngàn tỉ

Nguyên nhân khiến hàng trăm chuyến xe “mất tích” tại Bến xe Miền Đông mới được cho là do bến xe ngàn tỉ này không thuận lợi về địa điểm và còn nhiều bất cập về tổ chức.

Tổ chức một cung mới của mạng lưới xe buýt
Là người đã có nhiều năm quản lý và hoạt động trong ngành vận tải hành khách tại TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, đánh giá việc các nhà xe bỏ bến là chỉ dấu cho thấy rằng bến xe (BX) mới không phù hợp về địa điểm và chưa thuận lợi về tổ chức quản lý để có thể phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.

Bến xe Miền Đông mới bị đánh giá là không thuận lợi về địa điểm và còn nhiều bất cập về tổ chức  NGUYỄN ANH

“Khách không đến, xe không vào thì rõ ràng không còn lý do gì có thể biện minh”, ông Tính nhấn mạnh và cho rằng việc các đơn vị quản lý BX và Sở GTVT không chỉ ra được 300 chuyến xe “mất tích” đi đâu là chưa hợp lý. Vì tất cả các doanh nghiệp (DN) vận tải đều đang chịu sự quản lý của Sở. Vì thế, Sở cần lập tức kiểm tra xem các chuyến xe này về các BX An Sương, BX Miền Tây... hay không. Nếu có thì phải điều chỉnh, khắc phục vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của BX Miền Đông (BXMĐ) mới.

Thừa nhận với những đô thị lớn, đông dân như TP.HCM, các BX vận tải liên tỉnh phải đưa ra khu vực cửa ô để tránh kẹt xe nội đô, nhưng theo ông Tính, ngay từ trước khi thực hiện việc di dời BX cũ sang BX mới, Sở GTVT và Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) phải làm công tác điều tra khách hàng bao gồm cả người dân cũng như các DN, hợp tác xã hoạt động trong bến. Dựa trên nhu cầu, biết họ cần gì, muốn gì để lên phương án đáp ứng, đảm bảo việc chuyển đổi được thuận lợi.

Xem thêmKêu khổ ở Bến xe Miền Đông mới vì nhiều tuyến xe bỗng “mất tích”
Dự kiến sáng nay 28.10, Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị sẽ tổ chức cuộc họp khẩn về hoạt động của BXMĐ, BXMĐ mới và tình hình hoạt động xe đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố.

“Hiện thành phố quy hoạch tổ chức 5 - 7 tuyến xe buýt kết nối với BX mới nhưng từ BX ra tới trục xa lộ Hà Nội hay trục QL1 còn rất xa. Nếu chỉ là xe buýt chạy ngang qua thì chỉ mang ý nghĩa lấp mạng lưới chứ không giải quyết được nhu cầu thực tế. Chưa kể xe buýt chỉ dành cho một đối tượng người lao động thu nhập thấp, có nhiều thời gian. Còn những hành khách thuộc tầng lớp trung bình cần taxi, xe công nghệ... Nếu không xác định rõ nhu cầu của cả 2 bên để lên phương án kết nối thì BXMĐ mới không thể hoạt động hiệu quả được”, vị này khẳng định.

Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Nguyên, hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cũng nhấn mạnh kết nối là yếu tố then chốt quyết định việc các phương tiện có chuyển đổi hoạt động, người dân có lựa chọn BX mới hay không. Họ, trong suốt bao nhiêu năm đã quen với BX cũ, nơi có nhiều phương tiện kết nối. Xe buýt từ khắp nơi đều chạy về BXMĐ cũ. Trong khi bến mới vừa xa, vừa chưa có nhiều tiện ích kết nối nên chắc chắn người dân sẽ e ngại. Khi người dân e ngại thì DN không thể cứ nằm trong bến đóng tiền và chờ khách. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, người dân chưa biết thông tin hoặc không biết cách đi tới BX mới. Vì thế, cần tổ chức tuyến phương tiện công cộng đưa khách từ BX cũ tới BX mới. Đây có thể là tuyến xe buýt mới hoặc những phương tiện công cộng cỡ nhỏ, đa dạng chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân.

“Phải làm sao họ đến bến cũ rồi đi sang bến mới dễ dàng, không phải tìm cách đi thẳng từ thành phố ra BXMĐ mới. Tuyến này xứng đáng để được tổ chức thành một cung mới của mạng lưới xe buýt thành phố. Ở một thành phố đông dân và hệ thống giao thông phức tạp thì làm gì cũng phải tính đến câu chuyện kết nối giao thông để người dân có khả năng lựa chọn nhiều phương tiện. Không làm được điều này thì phương tiện nào cũng sẽ bị mất khách”, ông Nguyên cảnh báo.

Giảm lệ phí bến để hỗ trợ DN
Bên cạnh việc đảm bảo giao thông kết nối, ông Lê Trung Tính đề xuất nên có các giải pháp để hỗ trợ DN, thu hút các nhà xe tiếp tục duy trì hoạt động tại bến mới. Cụ thể, giai đoạn đầu SAMCO có thể hạ thấp lệ phí bến để giảm chi phí cho các DN. Một thời gian, sau khi hạ tầng giao thông kết nối đã ổn định, người dân quen với bến mới, lượng khách tăng nhiều hơn đủ để các nhà xe hoạt động lại bình thường thì sẽ khôi phục lại mức lệ phí bến. Song song, cần “tả xung hữu đột”, kiểm soát thật tốt tình trạng xe dù bến cóc trong nội đô để BX mới phát huy tối đa hiệu quả.

Dự án BXMĐ mới là một quần thể phức hợp có diện tích trên 16 ha, bao gồm khu vực BX chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. Với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách một năm, là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành trong tương lai, BXMĐ mới đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ/tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Đây cũng là BX khách liên tỉnh có quy mô lớn nhất nước. Tuy nhiên, với thực tế tình hình thị trường vận tải có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều loại phương tiện mới như hiện nay, ông Lê Trung Tính đề xuất nên tính toán để xem xét lại quy mô của BXMĐ mới.

“Hiện nay có nhiều loại xe mới như xe limousine thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu của hành khách, nên được khuyến khích phát triển như một dạng taxi, xe công nghệ. Thành phố cần nghiên cứu đảm bảo hài hòa sự phát triển. Tương lai 5 - 10 năm tới nên duy trì BX đó ở cấp độ nào và giải quyết các bãi xe nhỏ trong nội thành một cách hợp lý. Bãi nào thuận lợi, hợp pháp thì công bố rõ ràng cho phép hoạt động. Bến nào bất hợp lý thì quyết liệt dẹp mạnh tay”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM đề xuất.

Theo Thanh Niên