clock

Thế Giới

02:56 26-02-2019

Kết nối thông minh: Chìa khóa cho vấn đề phát triển kém bền vững tại nhiều quốc gia

Với các đất nước đang phát triển, công nghệ chính là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế, giải quyết các vấn đề về quản lý, nâng cao tính minh bạch và cải thiện đời sống con người.

Mỗi lần đưa con đi tiêm phòng, chị Minh Phương (30 tuổi, sống tại Hà Nội) đều phải cầm theo một chiếc túi lớn đựng sổ tiêm, các phiếu kiểm tra sức khỏe và đủ loại giấy tờ khác. 

Gần đây, khi đến trung tâm y tế, chị bất ngờ khi biết rằng chỉ cần đăng ký ở quầy dịch vụ, các bé sẽ được cấp một sổ y tế điện tử, lưu trữ đầy đủ dữ liệu về lịch sử khám chữa bệnh của bé trong suốt cuộc đời.

Những phụ huynh như chị Minh Phương không phải lo lắng khi đánh mất sổ tiêm, quên lịch tiêm hay nhiều vấn đề thường gặp khác, vì trung tâm sẽ tự động nhắn tin vào điện thoại để nhắc nhở.

Đó là một ví dụ rất nhỏ cho sự cải tiến về dịch vụ y tế ở Việt Nam theo xu hướng điện tử hóa, số hóa. Tập đoàn Viettel – đơn vị cung cấp giải pháp điện tử Y tế thông minh cho Bộ Y tế cho biết, nhiều lĩnh vực khác từ dịch vụ công cho đến tư nhân, đều đã được số hóa, đem lại sự cải thiện vượt bậc trong kết nối giữa người dùng với tổ chức quản lý.

Từ vấn đề của các nước đang phát triển…

Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác vẫn luôn phải đối mặt với các vấn đề như thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin thiếu minh bạch, cồng kềnh trong các thủ tục hành chính, bất bình đẳng về trình độ trình độ y tế, giáo dục, môi trường giữa các vùng miền cao. 

Trong thế kỷ 21, các chuyên gia tin rằng chìa khóa để giải quyết những vấn đề đó chính là công nghệ 4.0.

Nói một cách ngắn gọn, công nghệ AI, IoT sẽ đơn giản hóa và tăng tốc quá trình kết nối giữa mọi đối tượng. Sự kết nối thông minh này sẽ làm tăng hiệu quả, giảm chi phí và tăng tính minh bạch của mọi hoạt động.

Ví dụ, sự ra đời của Chính phủ số sẽ giản lược bộ máy hành chính, tạo ra cách quản lý thông minh, khoa học và minh bạch, tránh được các tình trạng cồng kềnh, lãng phí. 

Dữ liệu và thông tin được chia sẻ trên phạm vi toàn cầu, tạo điều kiện cho lao động tại các nước nghèo có thể tiếp cận và tìm kiếm, mang tới những triển vọng đổi mới trong nhiều lĩnh vực.

Các thành phố thông minh sẽ tối ưu hóa việc quản lý công, giảm ách tắc giao thông, điều hòa môi sinh để tạo nên những môi trường sống tốt lành. 

Công nghệ cũng thúc đẩy công nghiệp, giảm sức lao động. Nông nghiệp thông minh xây dựng các hệ thống nuôi trồng, chăm bón khoa học… Công nghệ tiến sâu vào y học, giải quyết các vấn đề về sức khỏe và bệnh nan y.

 

Bằng các giải pháp công nghệ theo xu hướng thế giới như AI, Big Data, IoT…, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel không chỉ làm thay đổi cuộc sống người dân Việt Nam mà còn thay đổi cả cuộc sống của người dân tại 10 thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, Viettel ghi dấu ấn với ngân hàng số mang tên Viettel Pay. Dịch vụ này cho phép người dùng thanh toán các loại hóa đơn, mua vé online, chuyển tiền và nạp tiền, nhận tiền tại nhà… chỉ với một số thao tác đơn giản trên điện thoại. 

Cùng với đó Viettel Pay giúp chuyển tiền mặt tới tận nhà người nhận, chuyển tiền theo số điện thoại trong thời gian ngắn nhờ mạng lưới kênh giao dịch và chăm sóc khách hàng phủ rộng.

Cách đây ít ngày, Viettel là 1 trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công NB-IoT (công nghệ kết nối vạn vật). Đây là là kết quả nghiên cứu thử nghiệm suốt 2 năm gần đây của đội ngũ kỹ sư Viettel. Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng IoT thương mại.

… đến Hội nghị di động thế giới (MWC) 2019

Chủ đề của MWC 2019 (Hội nghị di động thế giới 2019) là Kết nối thông minh. Trong đó, thông điệp của tập đoàn Viettel là Kết nối thông minh để giải quyết vấn đề của các quốc gia đang phát triển.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ: "Năm nay, Viettel muốn giới thiệu mình không chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Top 30 thế giới. Viettel đã trở thành một nhà cung cấp thiết bị, giải pháp viễn thông, an ninh mạng… với sản phẩm khác biệt, có tính cạnh tranh".

Năm nay, Viettel mang tới Hội nghị MWC 2019 4 nhóm giải pháp kết nối thông minh: Nhóm giải pháp nhà mạng thông minh với Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 4.0, Hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói Evoled Packet Core, Hệ thống quản lý chiến dịch Campaign Management System, Viettel Geolocation; Nhóm giải pháp thành phố thông minh với Trung tâm điều hành thành phố thông minh, Bãi đỗ xe thông minh Smart Car Parking; Nhóm giải pháp an ninh mạng - Viettel SOC; Nhóm sản phẩm thiết bị thông minh trong hàng hải với Thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền S-Tracking, Thiết bị nhận dạng tàu tự động AIS, Máy thông tin liên lạc HF, Thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân (VPLB).

Hiện diện tại MWC 2019, đại diện của Việt Nam muốn nói với thế giới rằng Viettel đã tự chuyển mình từ một công ty viễn thông thành một công ty công nghệ. 

Trả lời truyền thông, ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel khẳng định: "Trước đây, Viettel đến với MWC theo đúng định hướng là viễn thông di động. 

Những năm gần đây, Viettel đã chuyển mình thành công ty công nghệ, và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam trong việc đưa công nghệ 4.0 vào đời sống hàng ngày. 

Chính vì vậy, Viettel cũng định hình mình không chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực di động mà hướng tới MWC ở Tây Ban Nha như một công ty công nghệ, áp dụng những giải pháp tối tân nhất để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".

Tích hợp công nghệ hiện đại, đề cao khả năng kết nối thông minh, các sản phẩm của Viettel tại MWC 2019 chính là niềm tự hào của Việt Nam giữa bức tranh công nghệ 4.0 chuyển động không ngừng. 

Đồng thời, đây cũng là những chiếc chìa khoá góp phần giúp các quốc gia đang phát triển giải quyết hàng loạt các vấn đề tồn tại trong đời sống xã hội, kinh tế.

 

theo Nhịp sống kinh tế