clock

Trong Nước

01:12 07-08-2019

Khai thác khoáng sản chui ở Bình Phước… “trăm hoa đua nở”

Ngày 5.8, nguồn tin từ tỉnh Bình Phước cho hay, hiện tượng khai thác khoảng sản chui đang trở thành hiện tượng phổ biến, đáng báo động trên địa bàn một số huyện ở tỉnh Bình Phước.

Đáng kể là việc khai thác đá xây dựng, vào đầu tháng 1.2019, lực lượng chức năng đã phát hiện tại khu vực thôn 6, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập một công trường khai thác đá chui rất lớn. Trên 2.000 m2 đất tầng phủ đã bị bóc dỡ để khai thác đá. Khu vực mỏ đá khai thác không phép gần 1.000 m2.

Vị trí khai thác đá sâu nhất khoảng 10 mét. Được biết, từ tháng 11.2018, các đối tượng đã hoạt động khai thác đá chui, không giấy phép. Ban đầu, chủ yếu khai thác đá chẻ và đá xây dựng, sau đó là khai thác đá cây.

Gần đây, trên địa bàn xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, theo phản ánh của ông Vương Đức Tặng – Chủ tịch UBND xã Tân Thành:

“Nhu cầu xây dựng gia tăng kéo theo hiện tượng khai thác trái phép phún sỏi ở xã Tân Thành cũng gia tăng cấp kỳ. Địa bàn xã Tân Thành tới hơn 5.600 ha, lực lượng quản lý lại mỏng, nên chúng tôi cứ chặn chỗ này, thì lại phát sinh chỗ kia”.

Hiện trường khai thác đá xây dựng trái phép ở huyện Bù Gia Mập. Ảnh: V.T

Thật vậy, ở xã Tân Thành có hơn 10 hầm khai thác phún sỏi, với diện tích hàng chục ngàn m2. Mỗi hầm khai thác phún sỏi từ 2.500 – 10.000 m2, sâu từ 7-8m.v.v…

Trong khi đó, trên địa bàn xã Lộc Thịnh và Lộc Hưng, thuộc huyện Lộc Ninh, tình trạng người dân ồ ạt bán đất, khai thác đất để làm nguyên liệu sản xuất gạch nung cũng “trăm hoa đua nở” không kém.

Toàn tỉnh Bình Phước chỉ cấp phép cho 3 mỏ đất sét khai thác hợp pháp gồm: Công ty TNHH Hồng Minh (mỏ Tân Khai, trữ lượng 338.250 m3), Công ty CP Trung Thành (mỏ Chơn Thành, trữ lượng 2,5 triệu m3) và DN tư nhân Hải Long (mỏ Thanh Lương, gần 300.000 m3).

Tuy nhiên, chỉ tính riêng ở huyện Lộc Ninh, người ta phát hiện có tới 15 điểm múc đất làm gạch, san lấp mặt bằng… Có 15 đơn vị được cấp phép làm gạch nung, thì 14 đơn vị xây dựng lò gạch không đúng giấy phép.v.v…

Đại tá Lê Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Phước - cho biết: “Năm 2018, chúng tôi xử lý 3 lò gạch liên quan đến khí thải gây ô nhiễm môi trường, đề nghị thu hồi hơn 10.000m3 đất làm gạch không có giấy tờ hợp pháp.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện các lò gạch trên địa bàn nên đơn vị không tổ chức kiểm tra riêng.

Phương tiện khai thác đá rất quy mô. Ảnh: T.T

Đầu tháng 5.2019, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Bảo Tuân, xã Phước Tín, thị xã Phước Long vì khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mức phạt 7,5 triệu đồng.

Công an tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt 1 doanh nghiệp tại ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh do bà Nguyễn Thị Nhung làm chủ với số tiền 80 triệu đồng và tịch thu hơn 1.600m3 khoáng sản sét gạch ngói.

Doanh nghiệp này đã vi phạm do có hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường dưới 1,1 lần đến dưới 1,5 lần và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”.

Song, hiện tượng khai thác khoáng sản không phép vẫn xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

 
 

theo Lao động