clock

Trong Nước

09:00 27-01-2016

Khi kinh tế toàn cầu gặp khó, Việt Nam và Bangladesh lại hưởng lợi nhiều nhất

Kinh tế toàn cầu gặp khó, người dân thắt chặt hầu bao và những nước xuất khẩu hàng may mặc giá rẻ như Bangladesh hay Việt Nam là những nền kinh tế được hưởng lợi chính.

Nền kinh tế Châu Á đang gặp nhiều vấn đề khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc, qua đó ảnh hưởng đến những nước láng giềng. Nhu cầu suy giảm tại nhiều thị trường, đặc biệt đối với mặt hàng điện tử khiến xuất khẩu tại một số quốc gia Châu Á gặp khó.

Tuy nhiên trong khi đó, thì Bangladesh lại có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong lịch sử.

Hãng tin Bloomberg cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh tháng 12/2015 đạt 3,2 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh

Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) cũng dự đoán tăng trưởng GDP của quốc gia này sẽ đạt 6,7% năm 2016 và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Vậy bí quyết của thị trường này là gì? Tất cả nằm trong mảng quần áo giá rẻ, chiếm 2,67 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 83% của tháng 12/2015.

Hiện Bangladesh là nước đứng thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu quần áo giá rẻ. Thị trường chính của nước này là Mỹ và Châu Âu, vốn đang có dấu hiệu hồi phục sau khủng hoảng 2008.

Nhập khẩu hàng dật may của Mỹ từ Bangladesh trong tháng 11/2015 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Công ty H&M, một trong những khách hàng lớn nhất của Bangladesh cũng đang tăng trưởng tốt.

Ngành may mặc đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho mảng xuất khẩu của Bangladesh với tỷ lệ 81,7% vào năm 2015. Vì vậy, sự tăng trưởng của ngành này khiến nền kinh tế đất nước cũng tăng theo.

Chi phí nhân công cực thấp tại đây đang thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may đặt nhà máy tại đây. Tuy nhiên, điều kiện làm việc của các công nhân vẫn rất thấp và không đảm bảo an toàn.

Vào năm 2013, nhà máy sản xuất hợp đồng quần áo giá rẻ Rana Plaza bị sập khiến 1.133 người thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương nặng. Vụ bê bối này đã khiến ngành sản xuất quần áo giá rẻ của Bangladesh bị đình trệ một thời gian.

Ngoài ra, việc ngược đãi nhân công tại quốc gia này bị nhiều tổ chức xã hội lên án.

Nạn nhân trong vụ sập nhà máy sản xuất Rana Plaza

Nhiều chuyên gia cho rằng Bangladesh nên đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hoặc phát triển những sản phẩm có giá trị cao hơn để phát triển kinh tế bền vững.

Đặc biệt, việc Việt Nam trở thành địa điểm thu hút mới cho ngành may mặc giá rẻ như một lựa chọn thay thế Trung Quốc cũng đang đe dọa Bangladesh.

Mặc dù số liệu xuất khẩu năm 2015 của Bangladesh khá khả quan nhưng khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường này sẽ thu hút nhiều hãng may mặc giá rẻ từ Mỹ hơn.

Chính phủ Việt Nam cho biết TPP có thể thúc đẩy ngành may mặc và da giày Việt Nam tăng khoảng 20%.

 

Theo Trí Thức Trẻ