clock

SỰ KIỆN

12:43 18-05-2016

Khởi động Quỹ đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF)

Ngày 17/5/2016, Lễ công bố Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh đã được diễn ra Hội trường Thành Đoàn (Số 01 Phạm Ngọc Thạch, P. Bến Nghé, Quận 1). Chương trình vinh dự đón tiếp lãnh đạo Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Đại diện các Sở - Ban – Ngành, lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam TPHCM, các doanh nhân, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Lễ công bố Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh đã được diễn ra

Được khởi xướng và sáng lập bởi Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đồng sáng lập bởi Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), trong giai đoạn đầu tiên của Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF), Quỹ đã nhận được sự đồng hành và góp vốn từ Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank). Đây là những đơn vị đầu tiên hưởng ứng với vai trò góp vốn đầu tư cho Quỹ. Quỹ được điều hành bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), là đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam TP, đi đầu trong các hoạt động và chương trình hỗ trợ chuyên sâu về khởi nghiệp không chỉ ở TPHCM mà còn trên cả nước. BSSC tham gia vào Quỹ HSIF với vai trò điều hành Quỹ đồng thời tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng để đầu tư bằng kinh nghiệm sẵn có của mình. Quỹ phấn đấu đạt qui mô nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 là 100 tỷ đồng.

Quỹ HSIF nhận được nhiều sự ủng hộ về tài chính lẫn các hỗ trợ khác về tư vấn và bảo trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong Lễ công bố sáng nay cũng đã diễn ra phiên ký kết thỏa thuận giữa Hội đồng sáng lập và các đơn vị đồng sáng lập, góp vốn đầu tư.

Trao đổi các thông tin về Quỹ HSIF, bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – đơn vị điều hành Quỹ, thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ cũng đã có các diễn giải về tiêu chí. Để nhận đầu tư, doanh nghiệp phải có ít nhất một nhà sáng lập doanh nghiệp có tuổi đời dưới 35. Việc qui định một trong số nhà sáng lập doanh nghiệp phải dưới 35 tuổi nhằm để khuyến khích sự kết hợp giữa đội ngũ trẻ với sự sáng tạo, năng động và đội ngũ có kinh nghiệm hơn để tạo thành nhóm sáng lập mạnh. Khác với Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, điều kiện quan trọng là chủ dự án phải có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ quan tâm cốt yếu là doanh nghiệp phải có đăng ký và hoạt động kinh doanh thực tế tại TP Hồ Chí Minh. 

Quỹ HSIF nhận được nhiều sự ủng hộ về tài chính lẫn các hỗ trợ khác về tư vấn và bảo trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

Về điểm khác biệt giữa Quỹ HSIF và các nguồn Quỹ khác tại Việt Nam, Bà Trương Lý Hoàng Phi, chia sẻ thêm: “Việt Nam hiện cũng có nhiều nguồn đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng đa phần định hướng chuyên biệt về một lĩnh vào nào đó như công nghệ, thương mại điện tử....Với HSIF, đối tượng của Quỹ là doanh nghiệp khởi nghiệp không giới hạn lĩnh vực, miễn là đội ngũ sáng lập tự tin với doanh nghiệp của mình thì đều có thể tiếp cận. Nguồn quỹ “thuần chất” của các nhà đầu tư Việt hướng đến mục tiêu cuối cùng là gia tăng nội lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt sớm “cất cánh” và “cất cánh” với chính môi trường TP Hồ Chí Minh thay vì tìm kiếm bài toán đăng ký kinh doanh ở quốc gia khác như hiện trạng thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến.”

Bà Đặng Tố Loan – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng chia sẻ thêm về sự khác biệt của Quỹ: “Với sự tham gia của các ngân hàng lớn, doanh nghiệp lớn vốn đã có một lượng khách hàng ổn định, chính những nhà đầu tư sáng lập quỹ cũng sẽ góp sức lớn từ giá trị thương hiệu, khách hàng, mối quan hệ.. cho các doanh nghiệp nhận đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi có sự am hiểu thị trường địa phương, điều này cũng khá quan trọng đối với một số ngành nghề, một số giai đoạn trong vòng đời doanh nghiệp”

Một câu hỏi khác được đặt ra về giá trị đầu tư xuất phát từ một startup –vé xe rẻ, vốn không còn xa lạ trong cộng động khởi nghiệp với những khoản đầu tư từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài. Ông Phạm Phú Quốc (Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM – HFIC) cho hay: “Giá trị đầu tư của Quỹ HSIF là không giới hạn nhưng chúng tôi bị giới hạn về nguồn vốn tùy theo giai đoạn của Quỹ, nên nếu vượt quá khả năng của Quỹ, chúng tôi sẽ có phương án kết nối với các đơn vị khác. Chia sẻ riêng về nhiệm vụ của HFIC trong năm 2017, nhiệm vụ của chúng tôi là đạt đến số vốn 68 nghìn tỷ đồng, chúng tôi cũng đã thẩm định và giải ngân rất nhiều dự án khác, và lần này là cơ hội cho dự án của các bạn nếu giá trị mà bạn huy động vượt qua con số 100 tỷ nguồn vốn của Quỹ.”

Ông Đinh Đức Quang (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB) cũng chia sẻ quan điểm khi được hỏi rằng liệu Quỹ có đạt được tiến độ huy động được 100 tỷ trong giai đoạn 2016-2020 như đã giới thiệu không, hay có thể rút ngắn thời gian này. “Vấn đề của chúng ta không phải là số dư góp vốn, mà quan trọng là trải qua một khoảng thời gian, chúng ta có bao nhiêu dự án được đầu tư hiệu quả. Những số dư của Quỹ bỏ trong tài khoản một ngân hàng lên đến con số 70 tỷ, 100 tỷ rồi cứ đến hạn thì công bố ra, thật sự cũng không có ý nghĩa  gì. Nhưng nếu chúng ta chỉ có thậm chí 5 tỷ thôi, mà chúng ta đầu tư được nhiều dự án, các dự án đều tạo ra doanh thu và duy trì hiệu quả, thì đây mới chính là ý nghĩa cuối cùng Quỹ hướng tới”.

Phạm Phú Quốc (Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM – HFIC) phát biểu tại buổi lễ

Tỷ lệ rủi ro mà Quỹ chấp nhận cũng là một tiêu điểm ‘nóng” được nhiều doanh nghiệp và báo chí đề cập. Ông Phạm Phú Quốc (Tổng Giám đốc HFIC) chia sẻ: “Quỹ sẽ có Hội đồng thẩm định dự án, là những chuyên gia “lão làng” có kinh nghiệm nhiều nằm trong việc đánh giá dự án, dĩ nhiên chúng tôi sẽ cố gắng để số tiền thu về sẽ bù đắp được những khoản rủi ro sẽ xảy ra. Nên ở đây, trong đầu tư mạo hiểm có một số điều rất hay. Ví dụ với khoản vốn đầu tư chỉ tầm 1 triệu đô thôi, nhưng giá trị mà nó mang lại có khi lại lên đến con số trăm triệu, đơn cử như là Thế giới di động, VNG. Tất nhiên đây là số ít và tiêu biểu nhất cho những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Việt Nam thời gian gần đây. Nhưng rõ ràng, giai đoạn mà giúp được doanh nghiệp khởi nghiệp ổn định rồi thì giá trị vượt lên sẽ rất là lớn, và chắc chắn một điều là không có gì rủi ro đến mức quá lớn.

Ông Đinh Đức Quang (Phó TGĐ OCB) cũng chia sẻ: “Bản chất của Quỹ là đầu tư chứ không phải là cho vay. Tôi có ví dụ đơn giản, nếu các anh chị ở đây ai đã từng tham gia thị trường chứng khoán, chúng ta mua cổ phiếu và không hề có tài sản đảm bảo gì cho phần đầu tư này. Tất cả nhà đầu tư là cá nhân hay tổ chức đều phải đánh giá doanh nghiệp đó, kế hoạch của doanh đó như thế nào, họ đầu tư như thế nào. Thế thì lý do tại sao có những cá nhân dám đầu tư vào cổ phiếu trên sàn, trong khi ở đây có bao nhiêu ngân hàng nhưng lại không dám quyết định đầu tư? Đây là lần đầu tiên chúng ta có Quỹ đầu tư như thế này, chúng ta cần nhiều thời gian để hoàn chỉnh cơ chế vận hành, phương thức làm việc. Nếu ngay từ ban đầu chúng ta đặt ra quá nhiều rào cản, ràng buộc thì chắc chắn sẽ rất khó để thực hiện được”.

Phương Thảo