clock

Tài Chính

15:59 28-09-2022

"Khủng long", "cá mập" lo lắng, sắc đỏ bao trùm thị trường cổ phiếu Việt

Sắc đỏ bao trùm thị trường cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh tâm lý thận trọng lên cao, người sẵn sàng mua không nhiều, trong khi đó áp lực bán ra vẫn còn. Khối ngoại cũng góp phần làm cho tình trạng thêm xấu.

Phiên giao dịch sáng 28/9, áp lực bán tiếp tục tăng lên trong khi sức cầu bắt đáy khá thấp. Thanh khoản trên thị trường tụt giảm mạnh xuống chỉ còn chưa tới 4.500 tỷ đồng, so với mức 6.000-8.000 tỷ trong tuần trước và mức 10-15 nghìn tỷ đồng/phiên sáng thời kỳ sôi động 2021 và nửa đầu 2022.

Kết thúc phiên sáng 28/9, chỉ số VN-Index giảm gần 15 điểm về gần ngưỡng 1.150 điểm.

Vào đầu giờ chiều, chỉ số VN-Index bớt giảm nhờ một đợt bắt đáy. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, chỉ số VN-Index giảm sâu 22,92 điểm xuyên thủng ngưỡng 1.150 điểm, xuống 1.143,62 điểm. HNX-Index giảm 1,24%, Upcom-Index giảm 1,13%. Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,8 nghìn tỷ trên HOSE.

“Thị trường quá xấu. Không biết giá cổ phiếu sẽ đi về đâu. Có những cổ phiếu trụ cột trên thị trường nhưng giảm giá không ngừng nghỉ. Không nghĩ có ngày cổ phiếu Vingroup (VIC) xuống dưới ngưỡng 60.000 và đang về dần 50.000 đồng/cp”, ông Tấn Thành, một nhà đầu tư tại Thanh Xuân chia sẻ.

Theo ông Thành, tình hình trở nên xấu khi thế giới biến động mạnh, trong khi đó dòng tiền trong nước có dấu hiệu ngày càng suy yếu.

 Thị trường chứng khoán diễn biến xấu, thanh khoản tụt giảm. (Ảnh: Hoàng Hà)
Giá cổ phiếu giảm sâu và vẫn tiếp tục giảm dần là yếu tố có thể vắt kiệt niềm tin của nhiều nhà đầu tư.

Chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán, một nhà đầu tư cho biết, thà “đau một lần rồi thôi”. Nhà đầu tư này chán nản cho rằng, chấp nhận bán hết cắt lỗ cho nhẹ đầu. Ngày nào cũng bị “cắt tiết” kiểu này cảm giác khó chịu và xót tài khoản vô cùng.

Ông Nguyễn Tùng, một nhà đầu tư tại Gia Lâm, than thở, dòng tiền không vào thị trường và tâm lý thận trọng bao phủ khắp nơi. Trong tháng 11 tới, Mỹ tăng lãi suất lần nữa, có thể còn ảnh hưởng tới thị trường tài chính thế giới. Giờ chấp nhận cắt lỗ, ngồi quan sát kỹ rồi tính, chứ nếu đầu tư và thấy tài khoản bị bào mòn thì còn buồn hơn.

Không ít người bắt đáy ngưỡng 1.180-1.200 điểm ghi nhận thua lỗ.

Từ đầu tuần, chỉ số VN-Index đã mất hơn 40 điểm. Đà giảm từ đầu tháng 9 cho tới nay đã xóa đi toàn bộ thành quả hồi phục của hai tháng trước đó.

Một số nhà đầu tư lo ngại, chỉ số VN-Index có thể xuyên thủng đáy 1.149,61 điểm ghi nhận hôm 6/7. Nếu đúng như vậy, theo phân tích kỹ thuật, đây là một tín hiệu xấu.

 Đa số cổ phiếu trụ cột giảm giá, Vingroup xuống dưới ngưỡng 60.000 đồng. (Nguồn: FPTS)
Thị trường đang diễn biến theo xu hướng tăng chậm-giảm nhanh, thời gian và cường độ giảm mạnh hơn so với tăng. Đây là tín hiệu của một thị trường giá xuống theo lý thuyết sóng Elliott.

Theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, thị trường cổ phiếu Việt giảm điểm theo xu hướng chung trên thế giới. Sáng 28/9 thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh.

Tính tới 11h40 ngày 28/9 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm gần 2,3%, nâng mức giảm cả tháng qua lên tới hơn 9,3%. Chỉ số Shenzhen Component của Trung Quốc giảm gần 1,5%. Chứng khoán Hàn Quốc giảm quanh ngưỡng 3%...

Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 27/9 (kết thúc rạng sáng 28/9 giờ Việt Nam), giảm sâu hơn vào thị trường giá xuống (bear market) khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên mức cao chưa từng thấy trong ít nhất một thập kỷ (sát mốc 4%).

So với đỉnh ghi nhận hồi tháng 1/2022, chỉ số S&P 500 đã thấp hơn 24,3%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones thấp hơn 21,2%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite sụt hơn 33% kể từ khi đạt kỷ lục vào tháng 11/2021. Tất cả các chỉ số đều mất hơn 20% và ngày càng rơi sâu hơn vào bear market.

 Chỉ số VN-Index đe dọa xuyên thủng đáy xác lập hồi tháng 7.
Tập đoàn quản lý đầu tư có quy mô số một tại Mỹ BlackRock Inc. (với khối tài sản 8.000-10.000 tỷ USD) hôm 27/9 đưa ra quan điểm tiêu cực về thị trường chứng khoán Mỹ trên Market Watch với khuyến nghị cho rằng nên “tránh xa hầu hết cổ phiếu Mỹ” (shun most equities).

Khuyến nghị của BlackRock được xem như một đòn giáng mạnh lên TTCK Mỹ bởi thường sau khi các ông lớn ra báo cáo, các tổ chức khác trên thế giới sẽ có những hành đồng tương tự.

Trước đó, hôm 16/9, Ngân hàng Thế giới (WB) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới do ảnh hưởng của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh chưa từng có trong 50 năm qua nhằm chống kiềm chế lạm phát.

Theo ông Lưu Chí Kháng, những khuyến nghị tiêu cực của các tổ chức đối nếu có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam chỉ là nhất thời. TTCK Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền ở Việt Nam là chính, cộng với tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.

Dù vậy, sự liên thông của các thị trường nên Việt Nam không nằm ngoài hoàn toàn xu hướng chung.

Với các nhà đầu tư, hiện tại mốc 1.150 điểm (đáy của khoảng 1 năm rưỡi qua) là ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Nếu giữ được mốc này, có thể mở ra cơ hội có một con sóng hồi nhỏ trong tháng 10.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu bán vào lúc cổ phiếu đang ở mức rất sâu như hiện tại thì khi thị trường lên lại phải mua lại với mức giá cao hơn.

Không ít nhà đầu tư cũng tính “xuống tiền” thời điểm này, nhưng phần lớn cho rằng, nên xuống tiền từ từ, 10-20% mỗi lần để giữ độ an toàn cao trong hoạt động đầu tư.

Ngược lại, có ý kiến phân tích, thế giới có nhiều bất ổn và giả sử TTCK Việt Nam có xác lập đáy thì với dòng tiền yếu như hiện tại, khó lòng tăng nhanh trở lại được, nhất là khi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đang tăng, thêm 1-1,5% ở hầu hết trong hệ thống.

Tính tới chiều 27/9, khối nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức đảo chiều sang bán ròng trên HoSE, với giá trị gần 480 tỷ đồng. Trước đó, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, khối ngoại vẫn đang là điểm sáng khi mua ròng gần 2.600 tỷ đồng.

Xem thêm: Credit Suisse: Chứng khoán toàn cầu có thể sắp điều chỉnh sâu

Theo VietNamNet