clock

Trong Nước

12:35 04-09-2018

Kiến nghị chấn chỉnh hiện tượng nhà hàng, khách sạn chỉ ghi tên bằng tiếng nước ngoài

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chấn chỉnh hiện tượng nhà hàng, khách sạn phần lớn ghi tên bằng tiếng nước ngoài...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có câu trả lời kiến nghị của cử tri địa phương gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, nội dung cử tri phản ánh: Nhiều nhà hàng, khách sạn trên phạm vi cả nước hiện nay phần lớn đều ghi tên nước ngoài. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chấn chỉnh hiện tượng này và phải ưu tiên ghi tên bằng tiếng Việt Nam.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, hiện nay, tại một số địa phương có lượng khách du lịch nước ngoài lớn như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Bình,...việc chấp hành các quy định về quảng cáo vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Nguyên nhân là do nhiều người dân chưa nắm được các quy định pháp luật, muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình đến với khách du lịch quốc tế một cách nhanh chóng, ấn tượng. Đồng thời, việc phối hợp quản lý của các cơ quan chức năng tại địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh không chấp hành tốt các quy định pháp luật.

Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2014 nêu rõ: "Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành".

Đối với hộ kinh doanh, Điều 73 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: Loại hình "Hộ kinh doanh" và tên riêng của hộ kinh doanh; "Tên riêng của hộ kinh doanh được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu".

Bên cạnh đó, Điều 18 Luật Quảng cáo 2012 quy định trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ trường hợp: "Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt".

Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài. 

Điểm b Khoản 1 Điều 23 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ cũng quy định: "Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam".

Như vậy, theo các quy định trên thì biển hiệu của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam phải viết bằng chữ Việt Nam. Ngoài ra, các biển hiệu có thể sử dụng thêm tiếng nước ngoài nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định như đã nêu ở trên. 

Trong thời gian tới, để chấn chỉnh hoạt động này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan của pháp luật tới các cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo, biển hiệu bằng nhiều hình thức như: đăng tin trên báo, đài, đưa nội dung tuyên truyền lên trang thông tin điện tử...

Các địa phương cần tiến hành rà soát, kiểm tra hình thức nội dung của các biển hiệu, biển quảng cáo, nhất là các nội dung có tiếng nước ngoài.

Thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, xử phạt theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp cố tình tái phạm nhiều lần... đảm bảo hài hòa lợi ích kinh doanh, giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ trong nước đến với khách quốc tế nhưng cũng không quên đối tượng trong nước và bản sắc tiếng Việt.

Khoản 2 Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với các hành vi như: Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu...

 

Kiều Linh/VNeconomy