clock

Doanh Nghiệp

01:40 17-09-2019

Kinh tế chia sẻ và cơ hội bứt phá cho Startups Việt

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin, việc cung cấp dịch vụ tới tay người tiêu dùng không còn bị giới hạn về không gian, thời gian nữa.

 Kinh tế chia sẻ: "đèn xanh" đã bật

Những hiện tượng nghe cực vô lí, nhưng lại hợp lí vô cùng, đang diễn ra từng ngày từng giờ trong thời đại công nghiệp 4.0 này. Chỉ 2 thập kỉ trước thôi, khó ai tin được có thể tồn tại những doanh nghiệp "không có bột" mà vẫn "gột nên hồ", kiểu không với không không cho là không (Ngẫu hứng doanh nhân, Trần Tiến).

Không chỉ tay trắng làm nên công ty tỉ đô, những doanh nhân táo bạo ấy đã làm thay đổi hẳn thói quen tiêu dùng, sinh hoạt của hàng tỉ người. "Cây đũa thần" làm nên những điều kì diệu trên chính là nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).

Kinh tế chia sẻ còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy),... 

Bản chất của kinh tế chia sẻ là khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. 

Khởi xướng lên các mô hình này là các công ty khởi nghiệp – đối tượng không sở hữu nhà máy hay kho hàng nào – nhưng lại huy động được kho tài nguyên của người dùng toàn cầu. Công nghệ hiện đại cũng giúp tối thiểu hoá chi phí vận hành dịch vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.

Con người đã chia sẻ tài nguyên nhàn rỗi với nhau hàng ngàn năm nay, nhưng chỉ trong thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ mới có đất dụng võ. Hiện có hơn 9.500 công ty khắp thế giới đang vận hành theo mô hình này, giúp hàng triệu người cho thuê, mượn, vay, trao đổi, chia sẻ nhà ở, xe hơi, xe đạp, tủ quần áo, kĩ năng, wifi… với nhau.

Lợi ích của mô hình này rất lớn và dễ thấy: tận dụng tài nguyên nhàn rỗi để giảm lãng phí, bảo vệ môi trường, tạo ra những dịch vụ tiện lợi phục vụ mọi người… Với nguyên tắc vận hành "những gì của tôi cũng là của bạn, đi kèm với phí", tất cả các bên đều được hưởng lợi từ nền kinh tế chia sẻ.

Tại Hội thảo về cơ hội và thách thức đối với mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, cho biết: 

"Bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. So với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế chia sẻ là trung tâm với ứng dụng công nghệ số".

Tiềm năng phát triển của kinh tế chia sẻ là rất lớn, hứa hẹn trở thành tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu. Việt Nam dĩ nhiên không nằm ngoài xu hướng đó. Bằng chứng là, vào ngày 12.8.2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 999, phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo Đề án, Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Có thể thấy, Chính phủ đã bật "đèn xanh" bởi mục tiêu của Đề án 999 là góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ phát triển thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lí, giúp các bên tham gia dịch vụ dễ dàng giao kết hợp đồng và trách nhiệm lẫn nhau.

Thêm nền tảng hỗ trợ startup

Việt Nam đang vào thời "ra ngõ gặp startup". Nhà nhà người người, nhất là các bạn trẻ, lao vào khởi nghiệp với đam mê cháy bỏng và mộng ước lớn lao.

Số liệu từ chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam Topica Founder Institute (TFI) cho thấy: tổng số vốn đầu tư vào startup Việt năm 2018 là 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2017. 

Hiện 6 lĩnh vực đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là Fintech (117 triệu USD), Thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và Bất động sản online (47 triệu USD).

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được tiếp sức đáng kể với cam kết rót vốn 425 triệu USD – tương đương 10.000 tỉ đồng – từ 18 quỹ đầu tư, bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Golden Gate Ventures, 500 startups, Topica... trong vòng 3 năm tới – theo công bố tại Hội nghị Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo (Vietnam Ventures Summit) ngày 10/6/2019.

Tháng 7/2018, Grab công bố Grab Ventures, dự án đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ phát triển các startup công nghệ trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ di động, giao nhận thức ăn, logistics, công nghệ tài... 

Grab Ventures mang đến cho các startup cơ hội tiếp cận vào nền tảng người dùng rộng lớn của Grab, được tư vấn chuyên môn, được tiếp cận với công nghệ của Grab, từ đó có cơ hội thử nghiệm dịch vụ của mình trên hệ sinh thái của Grab.

Ngày càng có nhiều nguồn lực hỗ trợ mọi mặt cho startup. Những con số rót vốn, dự án tiếp sức dễ khiến các doanh nhân trẻ nức lòng, nhưng thực tế không phải màu hồng: 92% startup chết yểu trong 3 năm đầu. 

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng phổ biến nhất là sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của người đứng đầu startup, yếu kém về kĩ năng quản trị và kĩ năng tài chính, thiếu vốn, sản phẩm không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường…

Nếu các startup trẻ biết cách tận dụng, nền kinh tế chia sẻ có thể giúp được họ khắc phục nhiều điểm yếu, nâng cao cơ hội "sống sót" cho những dự án kinh doanh đầy tham vọng.

Nếu thiếu vốn, hãy huy động từ cộng đồng! Các mô hình gọi vốn từ cộng đồng như KickStarter, Indiegogo, RocketHub, FundRazr… ngày càng phổ biến. Người có dự án phù hợp đăng ý tưởng của mình lên nền tảng để cộng đồng xem xét cấp vốn. 

Ngoài ra, mô hình cho vay trong cộng đồng peer-to-peer (P2P) lending cũng hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ, với lãi suất ưu đãi.

Nếu thiếu tài nguyên, ít kĩ năng, hãy hợp tác cùng công ty bạn! Mô hình bartering giữa các doanh nghiệp ngày càng phổ biến, do những lợi ích thiết thực nó đem lại. Các doanh nghiệp có những tài sản, máy móc thừa, nhà kho chưa dùng đến, sản phẩm tồn kho… có thể trao đổi với nhau để cả 2 bên cùng có lợi, đồng thời tiết kiệm thời gian chuyển tiền.

Những doanh nghiệp sở hữu kỹ năng chuyên môn riêng biệt có thể cung ứng dịch vụ đào tạo cho một nhóm doanh nghiệp, chia sẻ kĩ năng của mình, để nhận về thông tin hữu ích giúp họ hiểu thêm về khách hàng, cải tiến sản phẩm…

Kinh tế chia sẻ không phải là giải pháp vạn năng cho startup, nhưng mở ra những cơ hội mới, cung cấp hướng đi phù hợp cho những doanh nghiệp non trẻ vượt qua thử thách. Quyết định 999 của Thủ tướng đã tạo hành lang pháp lí cho kinh tế chia sẻ, giải toả nỗi lo lắng cho nhiều doanh nghiệp.

Tất cả đã vào đường băng, chỉ chờ những cơ trưởng bản lĩnh đưa startup cất cánh. Thời cơ đã chín muồi, giờ không khởi nghiệp thì còn chờ khi nào?

 
 

theo Nhịp sống kinh tế