clock

Thị Trường

09:02 07-12-2015

Kinh tế Đông Nam Á đi tìm động lực tăng trưởng mới

Tình hình kinh tế Đông Nam Á thời gian qua có những dấu hiệu giảm tốc do ảnh hưởng từ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, tình hình địa chính trị bất ổn và tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng cao kiềm hãm chi tiêu.

Quân đội xuống đường tại Bangkok-Thái Lan năm 2014

Những dấu hiệu trên cho thấy tầm ảnh hưởng của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc đến toàn khu vực, buộc chính phủ các nước phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ các gói kích cầu để hỗ trợ kinh tế.

Mới đây, lĩnh vực sản xuất của Singapore đã báo cáo tháng suy giảm thứ 5 liên tiếp còn chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) ngành sản xuất của Malaysia cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2012. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của 3 nền kinh tế là Indonesia, Philippine và Singapore.

Theo dự báo của Credit Suisse, tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay chỉ đạt 4,1%, thấp hơn so với mức 4,3% của năm trước. Tỷ lệ này cũng thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 5,3% trong 25 năm qua và là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá tình hình kinh tế tại Đông Nam Á khả quan hơn các nước phát triển tại Châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, nền kinh tế khu vực này năm 2016 được dự đoán sẽ tăng trưởng tốt hơn một chút so với năm nay.

Tuy nhiên, đà cải thiện này không phải do xuất khẩu mà là do chính phủ các nước tăng cường kích thích kinh tế. Đồng thời, giá các hàng hóa nguyên vật liệu, nông sản như đường, dầu cọ được dự đoán sẽ tăng giá trở lại.

Bên cạnh đó, những bất ổn về địa chính trị tại Đông Nam Á tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng và đầu tư trong khu vực. Tại Thái Lan, nhiều chuyên gia kinh tế không đánh giá cao khả năng quản lý kinh tế của chính quyền quân sự và hiện nền kinh tế nước này cũng chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ nào.

Niềm tin của người tiêu dùng trong nước chỉ tăng lần đầu tiên vào tháng 10/2015 trong 10 tháng trước đó, còn nợ hộ gia đình vẫn đạt mức kỷ lục khi cao hơn 80% so với năm trước. Tổng dư nợ vay ngân hàng cũng đang ngày càng tăng cao.

Tại Malaysia, những bê bối xung quanh quỹ đầu tư của chính phủ đã làm suy giảm niềm tin nhà đàu tư, khiến đồng tiền quốc gia này có biểu hiện tồi tệ nhất tại Châu Á từ đầu năm đến nay.

Tính từ tháng 1/2015, đồng Ringgit đã giảm hơn 25% so với đồng USD. Hơn nữa, giá dầu giảm cũng ảnh hưởng đến doanh thu của tập đoàn dầu khí quốc gia cũng như thu nhập ngân sách. Tỷ lệ nợ hộ gia đình năm 2014 đạt 85% GDP và con số này có thể không giảm nhiều trong năm nay.

Ngay cả Philippine, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á và là thị trường đầu tư nổi tiếng đối với các nhà đầu tư quốc tế cũng đang đối mặt với sự bất ổn vào năm 2016 do chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu. Theo ADB, tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay dự đoán chỉ đạt 5,9%, thấp hơn mức 6,1% năm 2014 và 7,1% năm 2013.

Tờ Wall Street Journal nhận định những rắc rối kinh tế tại Đông Nam Á chủ yếu là do Trung Quốc, khách hàng chủ chốt trong khu vực và là động lực tăng trưởng chính. Những số liệu chính thức cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ tháng 10/2015.

Rõ ràng, tình hình phục hồi kinh tế tại Mỹ và Châu Âu cũng như nhu cầu tiêu dùng nguyên vật liệu và thiết bị sản xuất gia tăng tại Đông Nam Á không bù đắp được yếu tố giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Indonesia đã giảm gần 21% vào tháng 10/2015 so với cũng kỳ năm trước, tháng giảm thứ 13 liên tiếp. Trong khi đó, xuất khẩu của Singapore cũng giảm 1,9% cùng kỳ, tháng giảm thứ 14 liên tiếp.

Hoàng Nam

Theo Trí Thức Trẻ