Trong Nước
14:44 03-11-2015Kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy ở Việt Nam
Chín giờ tối, vợ chồng chị Vân bắt đầu dọn dẹp “gian hàng” quần áo của mình trên vỉa hè, trước trường THCS Trường Chinh. “Cơ ngơi sự nghiệp” kinh doanh của vợ chồng chị là một bao tải chứa đầy quần áo, một con ma-nơ-canh, một khung treo và một tấm bạt, tất cả được gom gọn gàng trong 5 phút rồi chất lên một chiếc xe gắn máy.
Anh chồng nổ máy, chị vợ ráng hết sức vòng hai tay qua cả... “cơ ngơi” để cố ôm vào eo của chồng. Chiếc Dream, gắn biển số một tỉnh miền Trung, chầm chậm hướng ra đường Trường Chinh, nhập vào dòng xe máy đông đúc không ngơi nghỉ của Sài Gòn rồi mất hút phía xa xa.
Hình ảnh những người như vợ chồng chị Vân không hiếm ở Sài Gòn nói riêng và ở các đô thị lớn Việt Nam nói chung. Phía sau họ, chắc chắn là những đứa con, thế hệ tương lai của đất nước này. Phía sau họ còn là cha mẹ, ông bà, những người thân ở quê mà có khi đang trông chờ vào sự hỗ trợ của họ.
Ngày lại ngày, vẫn thấy vợ chồng chị Vân lặng thầm với công việc bán quần áo trên vỉa hè, bên cạnh là chiếc Dream được họ gìn giữ như một bảo vật. Họ cảm thấy mình may mắn hơn những người khác vì tìm được vỉa hè rộng để bán hàng mà không bị ai đuổi, chỉ mong sao trời đừng đổ mưa.
Đối với vợ chồng chị Vân, ý nghĩ có được một gian hàng ổn định để kinh doanh như các cửa hàng thời trang với đèn đuốc sáng trưng phía bên kia đường hay với máy lạnh phà phà như kiểu cửa hàng KFC gần đó, chưa bao giờ tồn tại. Xa hơn thế, giấc mơ có được một chiếc xe hơi để cả gia đình chị gọi là tận hưởng “sự hiện đại”, cũng chưa từng bao giờ xuất hiện.
Ý nghĩ thì không mất tiền, sao người ta không dám nghĩ? Giấc mơ là miễn phí, sao người ta chẳng dám mơ?
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan dẫn số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với 10 năm trước đây, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ còn bằng một nửa, đó là xu hướng “li ti hóa doanh nghiệp”, theo cách nói của Tiến sĩ Trần Đình Thiên.
Bà Lan cho biết một cuộc điều tra ở Việt Nam chỉ ra rằng trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng được xem là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước - đang bị “li ti hóa” như thế, thử hỏi những người buôn bán vỉa hè như vợ chồng chị Vân làm sao dám nghĩ đến một cửa hàng tử tế để kinh doanh, sao dám mơ một chiếc ô tô như là phương tiện đi lại cơ bản của gia đình?
Có hai yếu tố quan trọng trong bức tranh cơ ngơi của vợ chồng chị Vân, đó là cái vỉa hè và chiếc xe máy.
Cái vỉa hè, tưởng là nơi để tạo cảnh quan cây xanh cho đường phố, tưởng là nơi dành cho người đi bộ, nhưng không hiểu từ bao giờ, vỉa hè tại Việt Nam được “nâng tầm”, trở thành một phần không thể thiếu để hình thành nên một khái niệm, một lĩnh vực kinh tế, đóng góp không nhỏ để tạo ra công ăn việc làm và tạo ra thu nhập, mặc dù được xếp vào kinh tế phi chính thức, kinh tế vỉa hè.
Chiếc xe máy, cũng không rõ ai là người đầu tiên mang đến Việt Nam, nhưng chắc chắn một điều, nó đã tìm được đúng nơi để bám rễ, để bành trướng, nơi mà nó có thể phát huy đầy đủ những ưu thế và làm quên đi hoàn toàn những nhược điểm của nó, để rồi hình thành nên một phạm trù mang màu sắc Việt Nam, gọi là văn minh xe máy.
Có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy ở Việt Nam. Đó là các nhà quản lý đều muốn cấm đoán buôn bán vỉa hè để đảm bảo trật tự đô thị, nhưng lượng người đổ ra đường, ra vỉa hè để tìm miếng cơm manh áo ngày một gia tăng.
Các nhà quản lý đều muốn hạn chế xe máy bằng cách bày ra đủ mọi thứ thuế, phí, tưởng tượng ra hàng loạt các giải pháp với hy vọng người ta rời xa xe máy để giảm ùn tắc giao thông, nhưng lượng xe máy ngày càng tăng.
Không thể trách được người dân về những lựa chọn vì chén cơm manh áo của họ. Quá ít sự lựa chọn hoặc không còn sự lựa chọn nào khác, đương nhiên họ phải nắm lấy những gì trong tầm tay, trong khả năng của họ. Vậy thì liệu sự bùng nổ của kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy rồi có đưa được mọi người dân đến “bến bờ hạnh phúc”?
Mặt kia của kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy là xu thế gia tăng chủ nghĩa cá nhân và kèm theo đó có vẻ như phai mờ dần bản sắc của một xã hội nhân văn và tính cộng đồng.
Người ta phải o bế cho mảnh vỉa hè “của mình” để giữ nồi cơm. Người ta phải luồn lách xe máy trong mảnh đường “của mình” như là đang tham gia một trận chiến để kịp đến nơi cần đến. Người ta sẵn sàng dùng hung khí lấy mạng nhau để tranh giành một nơi kinh doanh trên vỉa hè hay lấy mạng nhau đơn giản chỉ là để giành phần hơn trong những vụ va quẹt xe máy.
Cụm từ “trật tự” mà ai đó kêu gào gìn giữ, nay bỗng trở nên lạc lõng và xa xỉ.
Kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy đang nuôi sống nhiều người hôm nay nhưng lâu dài rồi sẽ về đâu?
Tin liên quan
- Hơn 5.000 tỷ đồng sắp được rót vào tỉnh có nhiều đỉnh núi cao nhất Việt Nam
- Không khí lạnh lại sắp tràn xuống miền Bắc, khi nào sẽ xuất hiện rét đậm rét hại?
- Thành phố nào sắp tách thành 2 quận?
- Trước thềm cuộc họp quan trọng của các nước thành viên, quốc gia chủ tịch luân phiên BRICS kêu gọi khối thành lập tổ chức thay thế cho IMF