clock

Trong Nước

08:13 04-01-2024

Kinh tế Việt Nam 2024: Chuyên gia nước ngoài nêu 3 chữ quan trọng - có thể tăng trưởng nhanh hơn láng giềng

Việt Nam đã có GDP quý 4/2023 lên đến 6,72%. Điều này gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu kinh tế quốc tế.

 Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn lại báo cáo của Tổng cục Thống kê về các số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam. Theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,05% so với một năm trước đó, so với mức tăng 8,02% của năm trước đó.

Ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg đối với các nhà kinh tế thì mức tăng trưởng (dự báo - PV) cả năm 2023 của Việt Nam là 4,7%. Việt Nam ước tính mức tăng trưởng là hơn 5%. Nền kinh tế tăng trưởng 6,72% trong quý cuối cùng.

Việt Nam đang phục hồi sau suy thoái nhu cầu toàn cầu do lãi suất hạn chế. Chỉ số Vn-Index tăng tới 0,5% lên mức cao nhất kể từ ngày 17/10.

Ruchir Desai, nhà đồng quản lý quỹ tại AFC Asia Frontier Fund, cho biết: Tăng trưởng quý 4 "cho thấy nền kinh tế đã lấy lại đà và là một dấu hiệu tốt cho năm 2024".

Vị này cũng cho rằng mức tăng trưởng GDP 6-6,5% vào năm 2024 đối với Việt Nam sẽ là nền tảng tốt để chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024. Tuy nhiên, "chúng ta vẫn cần theo dõi tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới", nhà đồng quản lý quỹ tại AFC Asia Frontier Fund nêu quan điểm.

Xuất khẩu yếu ớt trong hầu hết thời gian trong năm, cùng với những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản, đã khiến nền kinh tế được coi là tăng trưởng nhanh nhất châu Á chưa đạt tăng trưởng cao như mức dự báo của nhiều tổ chức trước đó. Tuy nhiên, điều này sẽ không dài. Việc nâng xếp hạng tín dụng từ Fitch Ratings trong tháng 12 cho thấy tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam còn nguyên vẹn.

Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 6% vào năm tới và cạnh tranh danh hiệu tăng trưởng tốt nhất châu Á vào năm 2025.

Tờ này lý giải,  Việt Nam, vốn là thành viên của một số hiệp định thương mại đa phương, sẵn sàng hưởng lợi từ các hiệp định song phương trong năm nay với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Và sự phát triển trong quan hệ với Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu ghi nhận quý tăng trưởng đầu tiên trong 5 quý, trong khi doanh số bán lẻ tăng mạnh trong quý 4 cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang quay trở lại.

Giá tiêu dùng đã tăng 3,58% so với một năm trước vào tháng 12, chậm hơn mức tăng 3,80% mà các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến ngày 21/12 tăng 11,09% so với cuối năm 2022.

"Đó là tin tức đáng khích lệ đối với Chính phủ Việt Nam, nơi đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những tháng gần đây đã kêu gọi các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc cho vay", Bloomberg đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thúc giục các bộ và chính quyền địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công như một phần của mục tiêu đưa tăng trưởng GDP trở lại mức 6% đến 6,5% vào năm 2024.

Hồi giữa năm 2023, trong Báo cáo cập nhật hàng quý về Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN-3 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đưa ra quan điểm tích cực về lạm phát của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2,7% trong năm 2024.

Còn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đã được nâng lên 7,6% so với dự báo trước đó là 7,1%, phản ánh những dấu hiệu về sự thay đổi mới nổi.

Tăng trưởng trong khu vực dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,5% vào năm 2024 trong khi lạm phát được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 2,4%.

Đến tháng 10/2023, AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2024 đạt 6% vẫn cao hơn so với mức tăng trường bình quân của khu vực ASEAN là 5%. Lạm phát được dự báo tiếp tục tăng cùng với một số nguy cơ tiềm ẩn. 

Chiều ngày 9/11/2023, Quốc Hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2024 được xác định là từ 6 - 6,5%, một mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao.

Các chỉ số khác gồm GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; tốc độ tăng CPI bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...