clock

Trong Nước

09:05 06-03-2023

Kinh tế Việt Nam đứng trước cơ hội củng cố tầm quan trọng trong khu vực

Theo chuyên gia, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để nước ta chứng minh vị thế quan trọng trong khu vực.

Tình hình vĩ mô của kinh tế toàn cầu trong đó có giá năng lượng tiếp tục không ổn định sẽ tác động đến giá cả trong nước do các sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu.

Dựa trên tình hình này, tiến sĩ Daniel Borer, Quyền Chủ nhiệm chương trình Kinh doanh toàn cầu, Đại học RMIT (Australia) nêu trong báo cáo của trường này rằng: “Mức tiêu thụ nội địa chưa chắc tăng đáng kể trong năm nay nên cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực lên giá cả”. Vị tiến sĩ này cũng nhận định “hàng hóa nhập khẩu, vốn là một phần trong giỏ hàng tiêu dùng của các hộ gia đình trung bình ở Việt Nam, trở nên đắt đỏ hơn”.

Còn theo tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, điều phối viên môn Kinh tế vĩ mô tại Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ việc tăng lãi suất trong nước đang diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên tới 15% đối với tiền gửi cố định/có kỳ hạn tại các ngân hàng tư nhân. “Tăng lãi suất trong năm nay sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường bất động sản, khi nhu cầu đang giảm dần do lãi suất thế chấp tăng”, bà Vân nêu quan điểm.

Bà nhận định thêm: Vì bên bán sẽ chậm điều chỉnh giá xuống do nhu cầu giảm, các nhà đầu tư bất động sản có thể nên đợi đến quý 2 năm 2023 để được lợi với vị thế thương lượng tốt hơn.

Hai chuyên gia kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 5% trong năm nay, giúp góp phần vào thành công trong việc bình ổn giá.

Giữ giá cả ổn định cũng sẽ giúp tỷ giá hối đoái bớt mất giá. Một mô hình dự báo đơn giản chỉ ra rằng chênh lệch lạm phát của các loại tiền tệ thể hiện sự thay đổi dự kiến trong tỷ giá hối đoái.

Tiến sĩ Borer cho rằng trong khi mối quan hệ này đúng trong dài hạn thay vì theo từng năm, lạm phát trung bình của tiền đồng sẽ hạn chế áp lực mất giá của đồng nội tệ. “Nhìn lại 20 năm qua, hằng năm tiền đồng lạm phát 4,3%, cao hơn so với đô la Mỹ, điều đó có nghĩa tiền đồng sẽ dần mất giá so với đô la Mỹ”, Tiến sĩ Borer phân tích.

Do đó, để tạo ra môi trường thương mại ổn định hơn và giảm bớt sự bấp bênh của thị trường, Tiến sĩ Borer và Tiến sĩ Vân đề xuất nên áp dụng biên độ giảm giá dần 3-4% cho tiền đồng so với đô la Mỹ. Hệ thống này hứa hẹn mang lại sự ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam.

Tiến sĩ Vân giải thích: “Lĩnh vực xuất khẩu cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ có thể tiếp cận, vì các thị trường xuất khẩu chính, cụ thể là Mỹ với 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cả EU, vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Mặc dù có thể chưa bước vào suy thoái song Trung Quốc, khách hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng không trong trạng thái tốt trong năm 2023”.

Bà nói thêm: “Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (tăng 10,6% so với năm 2021), trong đó hải sản và dệt may đạt mức cao kỷ lục, nhưng nhiều khả năng năm nay sẽ không được như vậy”.

Kinh tế Việt Nam đứng trước cơ hội củng cố tầm quan trọng trong khu vực - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: AFP.

Việt Nam cần làm gì để hút FDI trong tương lai?

FDI cũng tăng trong năm 2022 với vốn thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, mức cao nhất trong năm năm qua. Các nước đầu tư chính là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác trong khu vực đang tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam.

Tiến sĩ Borer nhấn mạnh, mặc dù điều này hấp dẫn trong ngắn hạn và trung hạn, một nền kinh tế đang phát triển cuối cùng sẽ chuyển thành GDP bình quân đầu người cao hơn, kéo theo chi phí lao động cao hơn.

“Điều này là cần kíp và phản ánh rằng của cải của người dân đang tăng. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xác định và xây dựng thế mạnh ở các khía cạnh khác ngoài việc mức lương thấp”, Tiến sĩ Borer nêu ý kiến.

Xây dựng môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai, thu hút FDI bất chấp việc mức lương trong nước tăng lên.

Để đạt được mục tiêu này, Tiến sĩ Vân gợi ý, cần tập trung vào ba việc. Thứ nhất là chống tham nhũng ở tất cả các cấp. Hai là tăng tính minh bạch của các quyết định chính sách. Và tăng cường các nỗ lực về môi trường.

“Tham nhũng làm giảm động lực đầu tư FDI vì nhà đầu tư không chắc chắn về chi phí đầu tư trong tương lai cũng như các quy định luật pháp và tài sản”, Tiến sĩ Vân nói.

Môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững trong tương lai. Theo Tiến sĩ Borer, người tiêu dùng nước ngoài đang trở nên nhạy cảm hơn và thắc mắc về mức độ thân thiện hoặc không thân thiện với môi trường của các sản phẩm họ mua. Với 53% năng lượng đến từ các nhà máy điện than, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài trên hành trình trở nên thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, những khía cạnh như vậy sẽ cản trở FDI.

Tiến sĩ Borer cũng chia sẻ: “Bất kỳ phương án nào để giảm tiêu thụ năng lượng cũng như làm cho năng lượng xanh hơn đều cần được khai phá. Một nội dung quan trọng cần đưa vào chương trình hành động là xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao (MRT) để giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân tại TP HCM và Hà Nội”.

Hơn nữa, cần quan tâm xây dựng hệ thống tàu chở hàng quốc gia để giảm phụ thuộc vào xe tải, giúp giảm tắc nghẽn giao thông cũng như giúp sản phẩm từ Việt Nam thân thiện hơn với môi trường.