clock

Trong Nước

13:57 02-12-2015

Kinh tế Việt Nam: Kịch bản nào cho giai đoạn 2016-2020?

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67% trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp 5%.

Tại hội thảo Dự báo Kinh tế xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sáng 2/12, TS. Đặng Đức Anh, Ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam 2016-2020 là nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới.

Giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài cùng với những cải cách về thể chế sẽ phát huy hiệu quả.

Khu vực công nghiệp xây dựng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ là động lực chính cho sự phục hồi toàn nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ sẽ duy trì ở mức tăng trưởng vừa phải trong khi tăng trưởng của nông lâm thuỷ sản có thể sẽ tăng chậm lại trong một vài năm tới trước khi tăng tốc trong những năm tiếp theo.

TS. Đặng Đức Anh cũng cho biết, các dòng vốn sẽ tăng mạnh trở lại đặc biệt dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư đặc biệt đầu tư công tiếp tục được cải thiện.

Xuất nhập khẩu cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ tương đương hoặc tăng nhẹ so với giai đoạn trước nguyên nhân do Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc..

Cũng theo ông Đức Anh, lạm phát được dự báo duy trì ở mức thấp, khu vực tài chính tiền tệ ổn định, hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận những thách thức chính của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là áp lực đối với chính sách tỷ giá khi nhập siêu trở lại; áp lực huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư; rủi ro về tỷ giá đối với các khoản vay thương mại nước ngoài.

Bên cạnh đó, thách thức còn ở rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng; tác động bất lợi của hội nhập đối với một số ngành kinh tế; sức cạnh tranh của kinh tế ở mức thấp.

 Toàn cảnh hội thảo diễn ra vào sáng 2/12. Ảnh: Tâm An

Đặc biệt, tại hội thảo TS. Đức Anh đưa ra 3 kịch bản của nền kinh tế Việt Nam trong đó nhấn mạnh kịch bản trung bình nhiều khả năng xảy ra nhất.

Cụ thể, giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện.

Tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn tăng 7%. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và nhập siêu.

Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối linh hoạt. các hiệp ước quốc tế có hiệu lực giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn.

"Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67% trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp 5%", ông Đức Anh cho hay.

Thứ hai, kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn.

Những nguy cơ đe doạ nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính cụ thể là nợ xấu được giải quyết triệt để và có những thành tích bước đầu.

"Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn tương ứng tăng trưởng kinh tế và lạm phát trung bình giai đoạn là 7,04% và 6,1% mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững tạo tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo", TS. Đặng Đức Anh nói.

Thứ ba, kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, những rủi ro về hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu.

"Nếu gặp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6%, lạm phát có thể tăng cao trở lại ở mức trên 7% tuỳ vào mức độ rủ ro và hiệu lực điều hành tình huống của các chính sách", vị trưởng ban Ban phân tích và dự báo kết luận.

 

Theo Bizlive