clock

Trong Nước

08:18 18-01-2021

Kinh tế Việt Nam sẽ phải trả giá đắt nếu ngủ quên trên chiến thắng

Không phủ nhận những thành tựu “vượt khó” của nền kinh tế trong năm 2020, nhưng các chuyên gia kinh tế đã sớm cảnh báo nền kinh tế năm 2021 sẽ phải tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm.

Kinh tế 2021 có thể tăng trưởng 6,46%

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững", được tổ chức sáng nay (15/1), tại Hà Nội. Theo đó, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,98% hoặc 6,46% tùy theo các kịch bản. Mức tăng trưởng cao hay thấp được cơ quan này nhận định chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, dự báo này được đưa ra dựa trên ba cơ sở. Thứ nhất, đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, đúng thời điểm đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho việc điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới.

Thứ hai, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 buộc phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy "chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại".

Thứ ba, nhiều yêu cầu cải cách hậu COVID-19 thực ra không mới; đại dịch COVID-19 ít nhiều giúp đẩy nhanh các cải cách này. Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại…

Phân tích kỹ hơn về các yếu tố tác động, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch COVID-19 và có biện pháp phòng chống phù hợp. Theo đó, cải cách kinh tế hậu COVID-19 phải là một phần của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập với các cam kết trong FTA đã ký, mặt khác chủ động đóng góp vào xây dựng luật chơi chung trong các khối Việt Nam đã tham gia như WTO, APEC…

Các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo đồng tình với các cơ sở mà CIEM đưa ra, nhưng đồng thời cũng khuyến nghị cần chú trọng nghiên cứu thêm một số yếu tố sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế (bên cạnh các yếu tố đã nêu trong báo cáo như đầu tư, xuất khẩu, tỷ giá, lãi suất…) để có thể đưa ra dự báo sát hơn như biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, thương mại điện tử…

Đặc biệt, một số chuyên gia có cùng lưu ý rằng, cần phải chú trọng hơn tới phát triển nông nghiệp. “Chưa quốc gia nào giàu từ phát triển nông nghiệp, nhưng trong một thế giới bất định và dịch bệnh hoành hành như hiện nay, nông nghiệp sẽ là trụ đỡ để giúp ổn định kinh tế - xã hội”, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý.

Kinh tế Việt Nam sẽ phải trả giá đắt nếu ngủ quên trên chiến thắng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Nền kinh tế sẽ phải trả giá nếu chủ quan

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ ra không mấy lạc quan với kết quả Việt Nam đã đạt được trong năm 2020 và triển vọng 2021. Vị Viện trưởng cho rằng, đánh giá một cách khách quan, dù Việt Nam tăng trưởng gần 3% nhưng chưa có chuyển biến nhiều về chất, cùng với đó, các biện pháp Chính phủ đang áp dụng như đẩy mạnh đầu tư công chỉ là biện pháp tạm thời chứ không thể xem là biện pháp căn cơ.

“Thành công lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là khống chế được dịch COVID-19. Thành công này có được một phần là do thể chế của nước ta cho phép sử dụng những biện pháp cứng rắn để khoanh dịch, dập dịch. Tác động từ dịch bệnh tới nước ta ít hơn các nước khác nên mức độ chịu ảnh hưởng cũng ít hơn các nước khác là điều tất nhiên, không nên quá tự mãn”, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn nói.

Dù trong báo cáo của mình, CIEM đã đưa ra bốn rủi ro nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong năm 2021, đó là khả năng tiếp cận vaccine; sự phục hồi kinh tế không đồng đều ở các thị trường đối tác; xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước châu Á; gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng như vậy là chưa đủ.

Đồng quan điểm với TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Lê Xuân Bá cũng khá dè dặt khi cho rằng, những thành tựu đạt được trong năm 2020 là không thể phủ nhận, nhưng cũng đừng quá chủ quan, thỏa mãn, nếu không nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, trong năm 2020 chúng ta đã có một số chính sách chưa chuẩn xác và đã phải trả giá. “Chỉ cần một chính sách sai khiến dịch bệnh bùng phát trở lại, kinh tế có thể phải đánh đổi nhiều lần để khắc phục hậu quả, do vậy, không nên tham bát mà bỏ mâm”, TS. Lê Xuân Bá nói.

Về các biện pháp cho năm nay, tiến sỹ cho rằng, vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” như Thủ tướng Chính phủ đã phát động, đó là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

“Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều biện pháp đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra để phục hồi và phát triển kinh tế như đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân… Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là cải cách thể chế với việc ban hành luật pháp, chính sách kịp thời, phù hợp; tinh gọn bộ máy Nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Thực hiện được điều này sẽ góp phần thực hiện tốt tất cả các biện pháp trên”, vị chuyên gia kinh tế phát biểu.

Tăng trưởng về lượng đi kèm với sự chuyển biến rõ rệt về chất là điều đang được nhiều chuyên gia kỳ vọng. 2021 được dự báo sẽ là một năm phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. “Đó sẽ là sự phục hồi gắn với thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, sẽ là sự phục hồi trong thay đổi, phục hồi trong bất định, phục hồi trong thích ứng…”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.