clock

Tài Chính

10:58 15-12-2022

Lãi cao, người dần ùn ùn gửi tiết kiệm

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 10 tăng lên. Trong đó, tiền gửi dân cư có mức tăng nhanh hơn do lãi suất huy động đi lên.

Các ngân hàng huy động lượng tiền gửi dân cư trong tháng 10 tăng thêm 22.000 tỉ đồng so với tháng trước, lên 5,66 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng lên 0,4%, nhanh hơn so với những tháng trước khi các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động gia tăng trong những tháng qua  NHẬT THỊNH

So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được hơn 360.000 tỉ đồng từ dân cư. Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 10 lại sụt giảm 15.811 tỉ đồng, xuống còn 5,766 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức kinh tế giảm xuống còn 2,15%.

Mặc dù tăng trưởng tiền gửi dân cư cao hơn so với thiếu hụt từ khu vực tổ chức kinh tế nhưng cũng không thể bù đắp được mức sụt giảm của tổng phương tiện thanh toán, lên 17.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán trong tháng 10 chỉ còn 3,08% thay vì 3,21% của tháng 9. Theo lý giải, số liệu tổng phương tiện thanh toán chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua. Do tổng phương tiện thanh toán tháng 10 giảm nên kéo mức tăng so với cuối năm 2021 còn 413.000 tỉ đồng.

Vào tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào tháng 10. Trong đó, lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn từ 0,5% lên 1%/năm, từ 1 - 6 tháng từ 5% lên 6%/năm… Ngay lập tức, các nhà băng đã điều chỉnh lãi suất huy động dưới 6 tháng lên mức kịch trần. Các mức 7%/năm, 8%/năm kỳ hạn 6 tháng đã xuất hiện ở một số ngân hàng và đến nay đã có mức 9%/năm. Lãi suất huy động có sự khác biệt và cạnh tranh giữa các ngân hàng từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Chính vì lãi suất tăng cao vào 2 tháng cuối năm nên dự báo lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng trong những tháng này sẽ tiếp tục tăng.

Theo Thanh Niên