clock

Tài Chính

08:35 12-10-2022

Lãi suất tiết kiệm gần 9%/năm

Dòng vốn trên thị trường đang chảy vào ngân hàng khi lãi suất huy động lên gần 9%/năm.

Huy động vốn của SCB tăng 1.600 tỉ đồng trong ngày
Ngày 11.10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm mạnh tiền ra thị trường, lượng tiền cao hơn ngày trước đó 4.600 tỉ đồng, lên hơn 26.088 tỉ đồng. Trong đó, 7 thành viên được bơm hơn 4.088 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày và 19 thành viên được bơm gần 22.000 tỉ đồng kỳ hạn 29 ngày. Lãi suất (LS) mà các NH trả cho NHNN thấp hơn trước đó 0,5%, xuống còn 5%/năm. Từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN liên tục bơm tiền ra thị trường qua kênh thị trường mở lên hơn 89.458 tỉ đồng. Nguồn vốn liên tục được đưa ra thị trường khiến LS dịu đi so với tuần trước. Điều này cho thấy, định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống NH của nhà điều hành khi LS trên thị trường liên NH tăng vọt, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Lượng khách hàng đến SCB rút tiền đã giảm và nhiều người gửi tiền tiết kiệm  T.XUÂN

Động thái này cũng ngay lập tức có hiệu ứng. LS giao dịch giữa các nhà băng trên thị trường liên NH ngày 11.10 giảm từ 0,1 - 0,6%/năm ở mỗi kỳ hạn. Mức giảm mạnh nhất ở kỳ hạn qua đêm với 0,62%, xuống còn 6,94%/năm, kế đến là kỳ hạn 2 tuần giảm 0,54%, xuống còn 7,44%/năm. Đối với kỳ hạn trên 1 tháng, mức LS giảm 0,37%, xuống còn 7,69%; 3 tháng giảm 0,11%, còn 7,91%/năm. Mức LS 8%/năm xuất hiện ở kỳ hạn 9 và 12 tháng.

Ngược lại, LS huy động tiết kiệm tiền đồng của một số NH tiếp tục tăng lên trong những ngày gần đây. Mới đây, NH TMCP An Bình (ABBANK) áp dụng LS 8,6%/năm ở kỳ hạn 15 tháng khi khách hàng gửi chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc”. Các kỳ hạn còn lại có LS từ 7,8 - 8,5%/năm. Nhà băng này dự kiến huy động khoảng 5.000 tỉ đồng từ chương trình này. Trước đó, một số nhà băng tăng LS từ 0,3 - 0,6%/năm ở các kỳ hạn. Sacombank tăng LS lên cao nhất 7,5%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, còn 6 tháng lên 6,5%, 9 tháng 6,8%, 12 tháng lên 7%. VPBank tăng LS kỳ hạn 36 tháng lên 7,8%/năm. Techcombank cũng tăng LS kỳ hạn 1 - 3 tháng mức kịch trần 5%/năm; 6 tháng LS tối đa ở mức 7,2%, 12 tháng ở mức 7,5%/năm…

Mức LS huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đang thuộc về NH TMCP Sài Gòn (SCB) với 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Vào cuối tuần qua, nhà băng này đã tăng LS thêm khoảng 1%/năm để giữ tiền gửi khách hàng. Đối với tiết kiệm online, LS kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%. Sau khi NHNN đứng ra công bố đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, thêm LS tiết kiệm của SCB ở mức cao nên tình hình người dân đi rút tiền đã giảm. Ngược lại, lượng tiền gửi gia tăng trở lại.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: Lượng khách hàng đến SCB rút tiền trong ngày 11.10 đã giảm một nửa so với ngày trước đó. Một số điểm giao dịch SCB đã trở lại giao dịch bình thường, có nơi còn vắng khách. Lượng tiền tiết kiệm mà khách gửi vào NH này trong ngày tăng lên 1.600 tỉ đồng.

Chứng khoán èo uột, dòng tiền tìm nơi tránh “bão”
Hôm qua 11.10, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 36,28 điểm, tương ứng giảm 3,48% xuống 1.006,2 điểm. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ phiên cuối tháng 11.2020 đến nay. Tương tự trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng sụt mất 11,07 điểm, tương ứng rơi 4,82% xuống 218,78 điểm. Thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 801 mã giảm điểm, trong đó có 234 mã giảm sàn. Thanh khoản lại sụt giảm khi tổng giá trị giao dịch trên hai sàn chỉ hơn 13.000 tỉ đồng, giảm hơn 20% so với phiên trước đó.


Mức giảm sâu đưa VN-Index lọt vào top những chỉ số chứng khoán “tệ” nhất châu Á trong phiên này. Đồng thời, vốn hóa của sàn HOSE đã bị “thổi bay” gần 145.000 tỉ đồng chỉ sau một phiên, giá trị còn lại rơi về mức hơn 4 triệu tỉ đồng. Như vậy chỉ sau 7 phiên giao dịch từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ riêng vốn hóa của sàn HOSE đã bốc hơi hơn 490.000 tỉ đồng, tương đương hơn 20 tỉ USD.

Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm từ quý 2/2022 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và không ít người đã ngừng giao dịch hoặc rút bớt tiền ra khỏi thị trường. Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, trước đây có thể nhiều nhà đầu tư vẫn còn duy trì một lượng tiền ở tài khoản chứng khoán vì LS kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã tăng mạnh thì nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn.

“Với việc tăng LS tiền gửi của nhiều NH thương mại thì tôi nghĩ rằng dòng vốn sẽ tạm thời chảy vào NH nhiều hơn. NHNN công bố số liệu tiền gửi của hệ thống NH thương mại đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên”, ông Khánh nói.

Dữ liệu công bố từ NHNN cho thấy, lượng tiền gửi của khu vực dân cư vào hệ thống NH có tốc độ tăng nhanh hơn so với các tổ chức kinh tế. Tính đến hết tháng 7, lượng tiền gửi của dân cư tăng 329.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 6,2%, lên 5,629 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,13% so với cuối năm 2021, với số tiền 120.000 tỉ đồng, lên 5,765 triệu tỉ đồng.

Một số NH công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022

NH TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng. NH này đạt lợi nhuận trước thuế 5.926 tỉ đồng, tăng 1.532 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của NH tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 317.000 tỉ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch mục tiêu.

Hay NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ sau 9 tháng năm 2022. Cụ thể, NH đạt tổng doanh thu trên 13.300 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%. Tính đến 30.9, tổng tài sản của VIB đạt 341.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2021.

Theo Thanh Niên