clock

Thế Giới

08:31 01-09-2022

Lạm phát khu vực đồng euro lập kỷ lục

19 nước dùng đồng euro ghi nhận tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 9,1% khi giá năng lượng tăng hai chữ số, thêm nguy cơ suy thoái kinh tế.

Lạm phát khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 8 là 9,1%, theo số liệu nhanh từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat). Giá năng lượng cao là động lực chính. Mức lạm phát trên cao hơn kỳ vọng 9% của các nhà kinh tế trong hai cuộc thăm dò của Reuters và Bloomberg nêu ra trước đó. Đây là lần thứ 9 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng trong khu vực tăng, bắt đầu từ tháng 11/2021.

Năng lượng có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở mức 38,3% nhưng đã giảm nhẹ so với 39,6% trong tháng 7. Thực phẩm, rượu và thuốc lá đã tăng 10,6% so với 9,8% trong tháng trước, chủ yếu do tác động của các đợt nắng nóng gần đây trên khắp châu lục này. Hàng hóa công nghiệp phi năng lượng, chẳng hạn như quần áo, thiết bị gia dụng và ôtô, tăng 5% so với năm ngoái, trong khi giá dịch vụ tăng 3,8%.

Tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng Euro

Theo Reuters, việc tránh suy thoái dường như ngày càng khó khăn cho khu vực đồng euro khi lo ngại nền kinh tế suy giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng này. Riccardo Marcelli Fabiani tại Oxford Economics cho biết: "Lạm phát cao hơn sẽ đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng, kéo giảm tăng trưởng và đẩy khu vực đồng euro vào suy thoái trong mùa đông này".

Chi phí năng lượng cao sẽ buộc các hộ gia đình ưu tiên tiền chi tiêu cho nhu cầu sưởi ấm, để lại ít ngân sách hơn cho các mặt hàng khác, đặc biệt là dịch vụ. Ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề với các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng có thể sẽ cắt giảm sản lượng. Về sau, điều này tạo ra tắc nghẽn nguồn cung, làm tăng thêm lạm phát.

Thị trường lao động là một mối quan tâm khác. Với nhu cầu việc làm đã ở mức cao kỷ lục, tình trạng khan hiếm lao động ngày càng trở nên nhức nhối. Kịch bản tiền lương bắt đầu tăng cao chỉ còn là vấn đề thời gian, theo đó tạo ra một vòng xoáy giá cả khó phá vỡ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu dữ liệu lạm phát có đủ để thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến tới quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản mà một số thành viên trong hội đồng thống đốc vẫn còn tranh luận. Sáu thành viên trong hội đồng thống đốc ECB đã công khai quan điểm rằng kế hoạch tăng lãi suất trên 50 điểm cơ bản nên được thảo luận, xác suất tăng 75 điểm cơ bản là hơn 60%. Trong khi đó khảo sát của Bloomberg chỉ ra, các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào kịch bản lãi suất tăng 166 điểm cơ bản vào cuối năm.

"Có một nhu cầu cấp thiết là ECB phải hành động dứt khoát tại cuộc họp tiếp theo để chống lạm phát. Chúng ta cần một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong tháng 9 và các bước lãi suất tiếp theo sẽ được kỳ vọng trong những tháng tới", Giám đốc ngân hàng Bundesbank Joachim Nagel cho biết sau khi quan sát số liệu lạm phát vừa công bố.

Dẫu vậy, nhiều bên vẫn kêu gọi phản ứng kiềm chế hơn. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane trong tuần này đã thúc giục việc tăng lãi suất phải diễn ra với "tốc độ ổn định" để giảm thiểu nguy cơ về gián đoạn kinh tế. Thành viên ban điều hành ECB Fabio Panetta cho rằng, một nền kinh tế yếu đi sẽ giúp kiềm chế lạm phát.

Suy thoái tại khu vực đồng euro là kịch bản phổ biến trong những quý tới khi chi phí sinh hoạt tăng cao làm giảm nhu cầu tiêu dùng, suy yếu đà phục hồi sau đại dịch. Chính phủ các nước đang cố gắng bù đắp cú sốc về giá năng lượng thông qua nhiều biện pháp bao gồm cắt giảm thuế, chi trả trực tiếp cho các hộ gia đình và trợ cấp cho các công ty. Tổ chức tư vấn Bruegel ở Bỉ thống kê, 19 nước khu vực này đã chi khoảng 280 tỷ euro (279 tỷ USD).

Tuần này, Ủy ban châu Âu cho biết đang có kế hoạch thực hiện các bước khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá điện tăng vọt. Trong khi đó, Nga vừa ngừng cung cấp khí đốt qua một đường ống quan trọng để bảo trì tạm thời.

Theo Bloomberg, Reuters