clock

Thế Giới

09:00 09-06-2023

Làn sóng phá sản vì lạm phát và lãi suất tăng dâng lên ở Mỹ nhưng đây là bí quyết để những công ty trong hệ sinh thái của Warren Buffett vẫn sống khỏe

Giá của mọi mặt hàng, từ đường đến vàng, nhựa, cước vận chuyển đến vật liệu xây dựng đều tăng đáng kể.

Làn sóng phá sản vì lạm phát và lãi suất tăng dâng lên ở Mỹ nhưng đây là bí quyết để những công ty trong hệ sinh thái của Warren Buffett vẫn sống khỏe - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ở Mỹ đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, từ giá cả leo thang, chi phí đi vay tăng mạnh đến tình trạng khan hiếm tín dụng vì các ngân hàng cẩn trọng hơn. Trong bối cảnh đó, Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett cũng không phải là ngoại lệ.

Tập đoàn đa ngành của nhà đầu tư huyền thoại đang cảm nhận rất rõ những tác động của lạm phát. Giá của mọi mặt hàng, từ đường đến vàng, nhựa, cước vận chuyển đến vật liệu xây dựng đều tăng đáng kể. Các công ty con chứng kiến những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng, nhà cung ứng và các đối tác đang dần bị lạm phát và gáng nặng nợ chèn ép trong khi họ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi cố gắng tiếp cận nguồn vốn.

Các CEO của 5 công ty con trong đế chế Berkshire Hathaway đã chia sẻ trên Business Insider quan điểm của họ về sức khỏe kinh tế Mỹ và những tác động đến doanh nghiệp mà họ đang điều hành.

1. See’s Candies

Mới đây Buffett ca ngợi See’s Candies là “doanh nghiệp trong mơ” một phần nhờ sức mạnh thương hiệu. Là thương hiệu được nhiều người yêu thích, công ty có quyền lực định giá và có đủ khả năng để chuyển phần chi phí tăng lên sang người tiêu dùng mà không bị tẩy chay.

Chỉ trong năm ngoái, chi phí nhiên liệu của nhà sản xuất kẹo socola nổi tiếng đã tăng trung bình khoảng 30%. Trong đó giá bơ và đường tăng mạnh nhất theo CEO Pat Egan.

See’s sử dụng các hợp đồng kỳ hạn để phòng vệ trước đà tăng giá của socola và các loại hạt. Tuy nhiên họ không thể làm như vậy với các nguyên liệu khác. Và công ty không muốn sử dụng chất bảo quản để tăng tích trữ. Những nhà cung ứng lâu năm từng không tăng giá bán cho See’s trong năm 2021 nhưng sang năm nay họ không còn lựa chọn nào khác.

Nhờ có Berkshire hậu thuẫn, See’s không phải lo về nợ. Tuy nhiên Egan lưu ý rằng chi phí lãi vay tăng và điều kiện tín dụng bị siết chặt sẽ bóp nghẹt người tiêu dùng và các nhà cung ứng.

Pat từ chối tiết lộ doanh thu của See’s nhưng cho biết mảng thương mại điện tử đã tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây và vẫn đang tiếp tục bùng nổ. Ông kỳ vọng 2023 sẽ tiếp tục là năm thứ 3 liên tiếp See’s ghi nhận doanh thu kỷ lục.

2. Dairy Queen

Giá cả tăng cao thực sự là 1 vấn đề khiến CEO Troy Bader đau đầu. Đặc biệt là đối với các cửa hàng nhượng quyền mới được mở. Họ phải đối mặt với giá của tất cả mọi thứ đều tăng lên, từ vật liệu xây dựng cho đến thiết bị làm kem.

Áp lực này khiến Dairy Queen rất khó khăn khi quyết định đầu tư vào 1 địa điểm mới và khó có thể tăng doanh số bằng cách làm mới thực đơn hay đẩy mạnh marketing.

Dairy Queen, với gần 7.300 cửa hàng trên toàn thế giới, đã có 3 năm liên tiếp đạt doanh thu kỷ lục. Năm nay nhu cầu vẫn mạnh nhưng Bader lưu ý rằng người tiêu dùng có thể chuyển sang các cửa hàng có mức giá rẻ hơn.

3. Brooks Running

 

Những năm gần đây Brooks Running đã vượt qua nhiều thử thách từ nhà máy ở Việt Nam đóng cửa mùa thu năm 2021 do Covid cho đến giá dầu tăng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chi phí sản xuất và vận tải cũng tăng mạnh.

Thương hiệu giày thể thao đã đối phó bằng cách tăng giá bán nhưng gần đây đã phải điều chỉnh tốc độ tăng vì cảm nhận lạm phát đang dần ổn định trở lại.

CEO Weber tin tưởng rằng nhu cầu về giày chạy bộ sẽ đánh bại các chu kỳ kinh tế. Theo ông, mọi người sẽ đầu tư vào sức khỏe khi tình hình tài chính ổn định, và chạy bộ là 1 cách có chi phí hợp lý để giải tỏa căng thẳng trong thời kỳ khó khăn.

4. Helzberg Diamonds

Berkshire thâu tóm công ty kim cương Helzberg Diamonds từ năm 1995. Trong đại dịch, CEO Brad Hampton đã chứng tỏ rằng ông luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Mặc dù nhiều cửa hàng của Helzberg bị đóng cửa, ông đã tận dụng quãng thời gian đó để tái cấu trúc tình hình tài chính và lượng hàng tồn kho.

Nỗi sợ lạm phát, đồng USD giảm giá, hệ thống ngân hàng khủng hoảng và suy thoái đã khiến giá cổ phiếu giảm nhưng lại đẩy tăng nhu cầu về các tài sản an toàn như vàng. Điều này khiến chi phí đầu vào của Helzberg bị tăng lên.

Tuy nhiên lực cầu từ người tiêu dùng vẫn tỏ ra mạnh mẽ, có lẽ là nhờ những chiếc vòng cổ và khuyên tai được nhiều người tìm mua. “Tin tốt là mọi người vẫn phải mua trang sức cho những dịp đặc biệt như kết hôn hay các dấu mốc quan trọng khác trong đời, dù cho kinh tế khó khăn đến đâu”, ông nói.

Điểm khác biệt là các khách hàng đang sử dụng tiền đi vay nhiều hơn so với trong đại dịch, khi ai cũng rủng rỉnh tiền mặt.

5. Borsheims

Giá tăng và thị trường lao động bị thắt chặt là những thách thức lớn đối với Borsheims, chuỗi cửa hàng trang sức hoạt động chủ yếu ở Omaha.

CEO Karen Goracke cho biết tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục khiến công ty rất khó tuyển dụng và giữ chân nhân viên, do đó không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng lương.

Cước phí vận chuyển đã tăng lên vì những gián đoạn trong đại dịch nhưng lại giảm xuống rất chậm chạp trong thời kỳ bình thường như hiện nay. Trong khi đó chi phí đóng gói đã tăng hơn gấp đôi. Borsheims đã phải rất khó khăn mới có thể bảo vệ mức biên lợi nhuận vốn đang teo tóp.

Tuy nhiên giống như lãnh đạo của Helzberg Diamonds, Karen tin rằng nhu cầu về hàng xa xỉ vẫn ở mức cao bất chấp các áp lực kinh tế. Dường như người tiêu dùng đang “xả hơi” sau 1 thời gian đối mặt với rất nhiều áp lực và buộc phải thắt lưng buộc bụng trong đại dịch.

Tham khảo Business Insider