clock

Thị Trường

01:02 08-01-2020

Làng bún An Thái hối hả vào tết

Những ngày này, đến làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định), chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả của những lò sản xuất bún ở đây.

Ai nấy đều liền chân liền tay lao động để kịp cho ra số lượng sản phẩm lớn để cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ông Võ Văn Tâm có nhiều năm trong nghề làm bún ở An Thái, chia sẻ: “Đây là nghề gia truyền của gia đình tôi từ bao đời nay.

Công việc sản xuất bún làm quanh năm, nắng làm mưa nghỉ. Năm nào cũng vậy, thời điểm cận Tết Nguyên đán là lượng bún tiệu thụ mạnh hơn ngày thường, do đó các lò bún phải làm hết công suất mới đủ sản phẩm bỏ cho bạn hàng”.

Còn ông Nguyễn Văn Lượng, người ở cùng địa phương, thì cho hay: “Ngày thường gia đình tôi chỉ chế biến khoảng 150kg gạo, những những tháng cận tết thì số lượng gạo chế biến tăng lên gấp đôi, có khi gấp 3.

Cả năm chỉ trông 3 tháng cuối năm, nhưng thời gian này trời hay có mưa hoặc âm u, nên hôm nào trời nắng là các lò bún đều thi nhau sản xuất để có đủ hàng cung ứng cho thị trường”.

Chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ, chị Tướng Thị Huyền Anh, cho biết: “Dịp tết, cơ sở của tôi chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, thu nhập bình quân 170.000 đồng/ngày”.

Theo những người có thâm niên, nghề bún không quá khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ sản xuất đều có bí quyết riêng. Tuy nhiên, muốn bún ngon thì quan trọng nhất vẫn tùy thuộc vào chất lượng gạo nguyên liệu, gạo phải dẻo, thơm.

Bột gạo phải được xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Bún, bánh ở An Thái nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kom Tum, thậm chí được xuất bán qua Lào, Campuchia.

Làng bún An Thái hối hả vào tết - Ảnh 1.

Bún gạo vắt tròn, 1 sản phẩm của làng nghề An Thái.


Bún khô của làng nghề An Thái hiện có rất nhiểu chủng loại, như: Bún số 8, bún gạo vắt tròn, bún dong (bún củ chuối), bún gạo giả mì (sắn), bún bột mì ta, bánh phở, đặc biệt là bún đậu xanh Song Thằn.

Bún Song Thằn là đặc sản độc đáo của làng nghề An Thái. Cứ 5kg đậu xanh hạt sau khi xay và lọc nước nhiều lần cho ra 1,2kg bột đậu xanh tinh chất.

Số bột này đem nhồi rê làm thành 1kg bún Song Thằn khô. Chất lượng bún rất ngon, dinh dưỡng cao, nhưng vì thời giá đậu xanh quá cao nên giá bún Song Thằn hiện nay cao ngất ngưởng, trên 200.000 đồng/kg.

"Làng nghề bún, bánh An Thái có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó hút hàng nhất là thị trường Tây Nguyên.

Đặc biệt, sản phẩm bún Song Thằn hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong nước, được tiêu thụ mạnh ở TP HCM và Hà Nội. Nhiều Việt Kiều về nước đã tìm mua bún Song Thằn để làm quà và sử dụng.

Năm nay trời ít mưa, nắng kéo dài nên sản phẩm bún, bánh không hút hàng như năm ngoái, nhưng các cơ sở và hộ sản xuất cũng phải rất nỗ lực mới có đủ hàng cung ứng cho thị trường", ông Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc.