clock

Trong Nước

08:47 18-05-2023

Láng giềng Việt Nam phấn khởi vì giá một mặt hàng bỗng tăng vọt nhờ Trung Quốc

Giá trái cây Thái Lan liên tục tăng do nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường Trung Quốc, cùng việc cải thiện dịch vụ vận chuyển và chi phí vận chuyển giảm.

Tờ Bangkok Post dẫn lời của ông Wattanasak Sur-iam, Tổng Giám đốc của Cục Nội thương Thái Lan, cơ quan này đã theo dõi giá cả và nhận thấy giá đang tăng, đặc biệt là đối với sầu riêng và măng cụt.

Cụ thể, giá sầu riêng loại A và B đã tăng lên 190-200 baht/kg (1 baht ~ 700 đồng), lập mức cao mới cho mùa này.

Ông cho biết giá sầu riêng và măng cụt tăng là do nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Dịch vụ vận tải thuận tiện hơn đã hỗ trợ tăng lượng hàng xuất khẩu trong năm nay, khi 28 tàu lớn với nhiều container cập cảng, mở rộng năng lực xuất khẩu.

Ông Wattanasak cho biết thêm, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm dẫn đến chi phí xuất khẩu giảm và khối lượng xuất khẩu tăng.

Đối với các loại trái cây khác, “mô hình Omkoi” tạo thuận lợi cho việc thu mua nông sản vào mùa cao điểm. Mô hình này có bộ phận phối hợp với các nhà kinh doanh để thu mua trái cây và nông sản.

Ông cho biết trong 6 tháng, gần 200.000 tấn nông sản đã được thu mua thông qua mô hình này và dự kiến sẽ tiếp tục thu mua.

Mô hình đặc biệt này được sử dụng cho trái cây từ miền Bắc, chẳng hạn như nhãn và vải thiều, và một số giống từ miền Nam, chẳng hạn như bòn bon.

Láng giềng Việt Nam phấn khởi vì giá một mặt hàng bỗng tăng vọt nhờ Trung Quốc - Ảnh 1.

Giá trái cây Thái Lan có giá khi mùa vụ bội thu. Ảnh: Dy Khoa.

“Đơn vị tự tin đây sẽ là một năm làm ăn phát đạt nữa của nông dân trồng trái cây vì thị trường thuận lợi. Mặc dù sản lượng trái cây tăng 3% lên 6,75 triệu tấn nhưng chúng tôi chưa gặp vấn đề gì về giá cả. Đơn cử như xoài vừa hết mùa sản xuất và liên tục ghi nhận mức giá tốt trong suốt thời gian qua”, ông Wattanasak nói.

Trong khi đó, ông Goranij Nonejuie, Cục phó Cục Nội thương, cho biết sản lượng trái cây ở miền Đông Thái Lan cũng tăng lên. Sản lượng sầu riêng ước đạt 782.000 tấn, trong đó 522.000 tấn đã được đưa ra thị trường, trong khi sản lượng măng cụt ước đạt 122.000 tấn, đã đưa ra thị trường 58.500 tấn. Sản lượng chôm chôm dự kiến đạt 141.000 tấn, với 62.100 tấn được tung ra thị trường. Các sản phẩm còn lại cũng sẽ sớm được đưa vào thị trường.

Ông Goranij cho biết giá các loại trái cây nói trên vẫn thuận lợi, với giá mua sầu riêng gối vàng (Loại A và B) dao động từ 190 - 200 baht/kg, Loại C từ 140 - 150 baht/kg, và Loại D từ 125 - 145 baht/kg.

 

Sau khi mùa trái cây miền Đông kết thúc, thị trường sẽ chuyển hướng sang miền Nam và miền Bắc và Cục Nội thương sẽ tiếp tục áp dụng “mô hình Omkoi” để thu mua.

Láng giềng Việt Nam phấn khởi vì giá một mặt hàng bỗng tăng vọt nhờ Trung Quốc - Ảnh 2.

Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu hơn 3 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: Dy Khoa.

Tân Hoa Xã dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Thái Lan vào năm 2022, chiếm hơn 96% tổng lượng xuất khẩu, trị giá 3,09 tỷ USD.

Hãng tin cho rằng: Tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào mở ra một tuyến đường mới cho xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan và đã giảm bớt các vấn đề trước đây về năng lực vận chuyển không đủ và sự không chắc chắn của vận tải đường bộ và đường biển.

Kanokwan Suwankanit, giám đốc bộ phận dịch vụ vận tải hàng hóa của Đường sắt quốc gia Thái Lan, cho biết việc khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã thúc đẩy sự phát triển vận tải hàng hóa đường sắt của Thái Lan, trong đó khối lượng hàng hóa đã tăng từ 500-600 TEU vào năm 2019 lên 2.000 TEU vào năm 2022, với việc mở rộng hơn nữa dự kiến sẽ đạt hơn 3.000 TEU vào năm 2023.

Hồi tháng 4 năm nay, tờ The Nation của Thái Lan cho biết, sầu riêng sẽ được vận chuyển trong các container lạnh cùng với măng cụt và hải sản đông lạnh, từ Map Ta Phut ở tỉnh Rayong đến Côn Minh, Trùng Khánh và Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc.

Theo bài viết, từ 700 đến 1.000 container dự kiến sẽ được chuyển đến Trung Quốc trong năm nay. Tàu chở hàng có thể mất từ 3 đến 4 ngày để đi từ Map Ta Phut đến Côn Minh, 4 đến 5 ngày đến Trùng Khánh và 5 đến 6 ngày đến Quảng Châu.

Việc mở rộng xuất khẩu của Thái Lan bằng đường sắt là cơ hội tiếp cận các khu vực khác ở Trung Quốc cũng như các nước châu Âu có liên kết đường sắt với Trung Quốc.

Thống đốc tỉnh Chanthaburi Monsit Paisarnthanawat cho biết kế hoạch 30 container lạnh chứa sầu riêng và các lô hàng thực phẩm khác được vận chuyển bằng tàu hỏa mỗi ngày từ Thái Lan đến Trung Quốc và con số này có thể tăng lên.

Ông Monsit cho biết tại một sự kiện nhằm thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng được trồng ở các tỉnh ven biển phía đông, bao gồm Chanthaburi, nhà sản xuất sầu riêng lớn của Thái Lan, mục tiêu năm nay là vận chuyển tối đa 120 container lạnh mỗi ngày.