clock

Trong Nước

02:48 20-04-2019

Lazada đột ngột ngưng chế độ đồng kiểm hàng, khách bức xúc

Lazada cho rằng chế độ đồng kiểm hàng hóa là không phù hợp vì người giao hàng không có khả năng thẩm định chất lượng hàng hóa.

Theo người tiêu dùng, ngưng đồng kiểm rất dễ tiếp tay cho việc bán hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Thu Hà

Trang website của Lazada thông báo: “Kể từ ngày 15-3-2019, Lazada áp dụng chính sách "Không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng".

Theo đó, người mua khi nhận hàng sẽ không được mở kiện hàng ra xem mà chỉ được kiểm tra các yếu tố bên ngoài của kiện hàng. Người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên vận chuyển”.

Trước những thông báo của Lazada về việc ngưng hỗ trợ đồng kiểm đã khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang và nghi ngại khi mua sắm tại đây.

Bởi theo họ, việc các sàn thương mại điện tử hoặc mua bán trực tuyến không cho kiểm hàng trước khi mua sẽ “tiếp tay” cho các hành vi gian lận thương mại như bán hàng giả, hàng nhái, và hàng không đúng theo yêu cầu lựa chọn của khách hàng.

Ngưng chế độ đồng kiểm… gây khó cho người mua hàng

Anh Hoàng Minh (Tân Phú, TP.HCM) phản ánh tới PLO: “Vừa qua tôi lên Lazada để tìm mua điện thoại iPhone, thì xuất hiện vô số kể điện thoại được người bán giới thiệu là chính hãng nhưng chỉ hơn 2 triệu đồng cho một chiếc iPhone 8 Plus, còn được tặng kèm đủ thứ phụ kiện khác”.

Anh Minh cho hay, với giá quá rẻ ấy rất có thể điện thoại là hàng nhái, hoặc giả iPhone, bởi trên thực tế dù iPhone 8 Plus đã qua sử dụng cũng có giá trên 10 triệu đồng.

“Nếu người mua không có kiến thức nhiều về thiết bị điện tử sẽ rất dễ bị lừa. Thêm nữa với hàng điện tử nếu không được đồng kiểm hàng hóa thì tỉ lệ mua phải hàng giả, hoặc hàng nhái là điều dễ xảy ra”, anh Minh chia sẻ.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp đặt một đằng nhận một nẻo. Chị Minh Thanh (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ trường hợp đặt mua quần áo, nhưng mẫu nhận về không phải cái chị đã đặt.

“Mình vẫn biết rủi ro khi mua hàng online nên việc đồng kiểm hàng hóa là rất cần thiết. Vì Lazada ngưng đồng kiểm nên khi thanh toán xong rồi tôi mới nhận ra không phải sản phẩm tôi đặt mua.

 

Mặc dù Lazada có hỗ trợ phản ánh, nhưng thủ tục rườm rà mất thời gian, chưa kể tôi phải vận chuyển ngược lại cho chủ shop, rồi chờ Lazada lẫn chủ shop giải quyết”.

Lazada: Hình thức đồng kiểm là không phù hợp

Trước vấn đề này trả lời PLO, đại diện sàn TMĐT Lazada cho biết trên thực tế hình thức đồng kiểm hoàng hóa là… không phù hợp.

Theo đó, đại diện sàn TMĐT này lý giải: “Do người đi giao hàng không phải là người bán hàng nên không hiểu biết sâu về hàng hóa, không thể cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa và vì vậy, không thể cùng đồng kiểm với khách hàng”.

Theo đó, khi được đặt câu hỏi nếu trong trường hợp người bán cố tình đóng gói hàng giả cho khách, và khách phát hiện ra hàng giả, người bán không chịu đổi trả thì trách nhiệm thuộc về ai? Hoặc người bán cho rằng hàng khách nhận không phải hàng người bán đã đóng gói vậy người nhận hàng "kêu oan" ở đâu?

Đại diện Lazada cho biết sàn luôn có chính sách đổi trả hàng nếu khách hàng không hài lòng với sản phẩm. Sàn TMĐT này cũng thừa nhận việc khách đổi trả cũng gây ra nhiều “khó khăn” cho Lazada về tài chính.

“Việc đổi trả làm phát sinh nhiều chi phí cho Lazada chi phí liên hệ khách hàng, lẫn nhà bán hàng, phí ship hàng ngược trở lại, chi phí hoàn tiền lại cho khách hàng… nên đương nhiên chúng tôi luôn phải có biện pháp loại bỏ các nhà bán hàng không đạt tiêu chuẩn vì lợi ích của chính Lazada và lợi ích của người tiêu dùng”.

Theo đó trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa người bán và người mua về chất lượng hàng hóa, Lazada sẽ tiến hành giải quyết dựa theo các tài liệu cũng như chứng cứ được cung cấp, trên cơ sở đảm bảo vệ quyền lợi cho các bên.

Lazada cũng cho hay, ngay trên sàn đã có rất nhiều công cụ để người tiêu dùng thông báo vi phạm, phản ánh về gian hàng, về người bán đồng thời để lại những bình luận tốt cho những nhà bán hàng chân chính.

Mới đây, trong cuộc hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 18-4, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện nay công cụ, chế tài xử lý các vi phạm trên các sàn TMĐT chưa thỏa đáng, chưa đủ rộng.“Vì vậy, phản ánh với bộ phận chăm sóc khách hàng của Lazada chính là cách tốt nhất để loại bỏ những người bán không đạt tiêu chuẩn. đồng thời giúp cho nhà bán hàng chân chính ngày càng phát triển”, Lazada đưa ra cách giải quyết.

Hành vi bán hàng giả trên TMĐT đang làm méo mó thị trường, thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại.

Ông cũng đặt ra các vấn đề về kiểm soát hàng giả trên sàn TMĐT như: “Tại sao chúng ta không đánh sập website, thu tên miền nếu phát hiện bán hàng giả. Trách nhiệm người cung cấp máy chủ, domain, dịch vụ Internet… ở đâu?

Phải gắn trách nhiệm của những đối tượng này trong việc chống hành vi kinh doanh hàng giả trên TMĐT. Phải có chế tài mạnh, không để môi trường Internet làm môi giới, trung gian cho kinh doanh bán hàng giả”.

 
 

theo Pháp luật TPHCM