clock

Tài Chính

05:34 07-10-2015

Liên kết các DN vừa và nhỏ - Giải pháp vay vốn NH

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, hiện nay, ngân hàng (NH) có nhu cầu cho vay và doanh nghiệp (DN) cũng có nhu cầu vay vốn, nhưng để tín dụng trôi chảy, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai phía.

* Ông nhận xét thế nào về việc tiếp cận vốn của DN hiện nay?

- Chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác, còn theo quan sát của tôi, khi có nợ xấu, lòng tin thị trường sẽ kém.

Có thể tình hình đã dễ hơn hai năm trước, thời kỳ đỉnh điểm của nợ xấu, nhưng DN nhỏ và vừa luôn khó vay được vốn, dù chỉ vài trăm triệu đồng, bởi nhiều NH không mấy quan tâm đến loại hình DN này, trong khi họ sẵn sàng dành cho các DN lớn khoản vay 200 - 300 tỷ đồng.

Tôi nghĩ, để tín dụng trôi chảy, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai phía. NH chỉ cho vay khi DN có kế hoạch kinh doanh triển vọng. Nếu DN có kế hoạch kinh doanh tốt mà NH không biết thì họ không cho vay vốn.

Cho nên, DN muốn được vay vốn thì phải có dự án tốt để NH cử cán bộ tín dụng đến thẩm định, đánh giá. Mà muốn thẩm định, đánh giá đúng dự án, đòi hỏi NH phải có cán bộ tín dụng có năng lực và công tâm.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính

* Và điều đó luôn xảy ra khi nước ta có hơn 90% DN là nhỏ và vừa?

- Nếu các DN tiếp tục làm ăn theo mô hình gia đình, hộ kinh doanh thì vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn NH. Tôi nghĩ sẽ dễ dàng vay vốn NH nếu một số DN nhỏ liên kết thành một công ty cổ phần. Một công ty cổ phần có thể là thành viên trong một gia đình hoặc một nhóm những người bạn.

* Nhưng các NH có thể sử dụng công cụ đảm bảo an toàn vốn khi cho DN vay?

- Trước đây, trong thời kỳ tín dụng bùng nổ, các NH lao vào lợi nhuận không phải họ không biết tác dụng của chuẩn Basel I, II hoặc III (chuẩn quản trị rủi ro tín dụng), nhưng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy lợi nhuận. Thực tế, nếu đề cao sự an toàn thì lợi nhuận ít đi.

* Như ông đã đề cập, DN nhỏ liên kết lại để mạnh hơn trong kinh doanh. Liệu điều ấy có sức ảnh hưởng với NH?

- Hợp nhất, liên kết để lập công ty cổ phần sẽ tạo ra DN quy mô lớn, sẽ tận dụng lợi thế của nhau để phát triển, nhưng cũng có một hạn chế, đó là vấn đề phối hợp và tâm lý làm chủ.

Nếu anh không có năng lực về quản trị thì không tận dụng được năng lực của người khác. Công ty cổ phần là mô hình DN có lợi không chỉ về vấn đề vay vốn mà còn ở chuyện thu hút nhân tài. Song, công ty cổ phần cũng gặp vấn đề là những cổ đông lớn có thể ép các cổ đông nhỏ.

Đối với NH, họ phải biết rõ DN hoạt động thế nào, dòng tiền của họ được sử dụng ra sao. Có lòng tin NH mới cho vay vốn. DN nhỏ có thể liên kết lại thành công ty cổ phần, nhưng đi kèm đó tài chính phải công khai, minh bạch.

* Cảm ơn ông!

 

TRÌNH TIÊU thực hiện/ DNSG