clock

Công Nghệ

11:56 18-07-2022

Liên minh "Chip 4" và cơ hội cho ASEAN

Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan đang tích cực thảo luận nhằm thành lập một liên minh chip mới với tên gọi

Hôm 14-7, Hãng tin Yonhap tiết lộ Hàn Quốc và Mỹ đang thảo luận việc tăng cường hợp tác sản xuất và phát triển chip trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu liên tục đứt gãy do đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm một tổ hợp sản xuất chất bán dẫn tại nhà máy Samsung vào tháng 3-2022 - Ảnh: Reuters

Những tín hiệu quan trọng

Cả ba quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trước đó đã gửi đi những tín hiệu quan trọng đến Mỹ về đề xuất thành lập một liên minh chip mới với tên gọi là "Chip 4".

Từ khóa "chip bán dẫn" trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hàn Quốc hồi tháng 3 năm nay. Ông Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Seok Yeol đã đến thăm nhà máy sản xuất hàng điện tử của Tập đoàn Samsung đặt tại thành phố Pyeongtaek.

Ở đó, hai nhà lãnh đạo cùng nhau chia sẻ về tầm nhìn của hai quốc gia về phương hướng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.

"Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới nhà máy Samsung đặt tại Pyeongtaek thể hiện tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với kinh tế và an ninh quốc gia của mỗi nước. Ngoài ra, sự kiện còn tạo cơ hội để nhắc lại ý nghĩa của liên minh toàn diện Mỹ - Hàn thông qua việc hợp tác sản xuất chất bán dẫn", Hãng thông tấn Yonhap dẫn phát biểu của Tổng thống Yoon trong chuyến thăm.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng tái khẳng định mục tiêu tăng cường sản xuất và phát triển chất bán dẫn. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau vào tháng 5 năm nay, trong một nỗ lực nhằm giảm sự lệ thuộc từ nguồn cung chất bán dẫn của Trung Quốc.

Theo báo Japan Times, cả hai nhà lãnh đạo đề cập chủ yếu đến lĩnh vực an ninh kinh tế trong nội dung hội đàm với ưu tiên chính là phục hồi chuỗi cung ứng chip ở khu vực và tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc - hiện là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

"Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí trong việc thúc đẩy việc hợp tác và phát triển các nền tảng công nghệ quan trọng. Chúng tôi ủng hộ việc thiết lập một cơ chế làm việc chung nhằm khai thác tiềm năng của công nghệ bán dẫn thế hệ mới" - thông cáo báo chí của Nhà Trắng phát ngày 23-5 mô tả.

Trước đó, Mỹ và Nhật Bản đã ra mắt văn bản về "Những nguyên tắc cơ bản trong hợp tác về sản xuất chất bán dẫn", do Cơ quan Hợp tác thương mại và công nghiệp Mỹ - Nhật Bản (JUCIP) soạn thảo.

Đối với Đài Loan, báo Washington Post cho biết Tập đoàn TSMC đã đầu tư 12 tỉ USD trong dự án hợp tác sản xuất chip bán dẫn tại tiểu bang Arizona (Mỹ) vào năm 2020.

ASEAN có hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn đa dạng. Từ những năm 1970, các nước ASEAN đã biết đến chất bán dẫn và chính phủ của mỗi nước đang tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Amarjeet Singh (trưởng nhóm tư vấn về thuế của tổ chức Ernst & Young)

"Chip 4" cần ASEAN

Theo báo Nikkei Asia, đầu tháng 4 năm nay, Mỹ và Nhật Bản đã kêu gọi các nước ASEAN tham gia vào một khuôn khổ chuỗi cung ứng chip bán dẫn mới. Mục tiêu của việc này là giúp ngăn chặn tình trạng thiếu chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử quan trọng khác. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác với ASEAN được phía Mỹ và Nhật Bản tin rằng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ đã gửi một văn bản dự thảo cho Chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích các thành viên của khối ASEAN tham gia vào chuỗi cung ứng chip này.

Nikkei Asia cho biết nội dung của bản dự thảo tập trung vào việc đảm bảo chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu có thể hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và duy trì việc làm trong ngành sản xuất chất bán dẫn.

"Chất bán dẫn và năng lượng sạch là các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của chúng tôi. Mỹ và Nhật Bản kêu gọi các nước ASEAN tham gia mở rộng hợp tác để đảm bảo tiếp cận các nguyên liệu cần thiết..." - tờ Nikkei Asia trích một đoạn trong nội dung bản dự thảo.

Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines là những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và thiết kế vi mạch điện tử, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Ernst & Young công bố vào tháng 5-2022.

Theo Nikkei Asia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đang chiếm hơn 70% sản lượng chip toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi tập trung nguồn vốn đầu tư của các ông lớn bán dẫn toàn cầu.

Ngoài ra, 5 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) nằm trong 15 nước xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu thế giới và tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của khối lên tới 200 tỉ USD vào năm 2019, theo báo cáo của Thư viện thống kê UN ComTrade thuộc Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các nước này trong việc thành lập một chuỗi cung ứng chip bán dẫn đang gặp phải những thách thức do sự lệ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề bảo hộ thương mại liên quan đến tình hình chính trị giữa các nước cũng được xem là một trong những rào cản lớn.

Mỹ bắt tay với Malaysia

Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia đã ký kết một biên bản ghi nhớ về các biện pháp phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn vào tháng 5-2022, theo thông tin của Hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama.

Mục đích của biên bản ghi nhớ này là nhằm cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn cho Mỹ và Malaysia, khi cả hai hợp tác trong việc phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết Malaysia hiện nắm giữ khoảng 13% thị phần lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn trên toàn cầu.

Theo Tuổi Trẻ