clock

Thế Giới

01:20 06-03-2020

Liệu Fed có tiếp tục hạ lãi suất về 0?

Phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính toàn cầu khiến nhiều chuyên gia dự đoán rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống 0%, thậm chí có thể "nối gót" những ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản trong việc sử dụng lãi suất âm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã "bắn phát súng đầu tiên cứu trợ nền kinh tế" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản hôm 3/3 vừa qua. Trong quá khứ, Fed cũng đã thực hiện hành động tương tự trước những thảm họa như vụ khủng bố ngày 11/9/2001, sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và sự bùng nổ của bong bóng Dot-com.

Tuy nhiên, đây là lần hạ lãi suất đầu tiên bên ngoài cuộc họp được lên lịch thường xuyên của các nhà hoạch định chính sách của Fed kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và là lần cắt giảm mạnh nhất kể từ thời điểm đó.

Động thái này gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường rằng Fed sẽ không ngần ngại làm những gì có thể để ngăn chặn hậu quả kinh tế do virus Covid-19 gây ra, đồng thời cho thấy tính quyết đoán của Fed so với Ngân hàng trung ương các nước khác.

Việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp được đưa ra để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động virus Covid-19 và khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính đang hỗn loạn.

Tuy nhiên, lá cờ chỉ bay cao hơn trên Phố Wall trong vài giờ sau thông báo đó. Chỉ số DowJones quay trở lại chế độ bán tháo, giảm 786 điểm, tương đương 2,9%. Đáng báo động hơn, lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lần đầu tiên giảm mạnh xuống dưới 1%.

Đây là những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ cần phải cắt giảm lãi suất sâu hơn, thậm chí có thể giảm lãi suất xuống 0%, giống như những gì Fed đã làm trong cuộc Đại suy thoái 2008. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tháng tới, Fed đưa lãi suất quay trở về con số 0", David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds cho biết.

Nhóm nghiên cứu kinh tế Mỹ của hãng dịch vụ tài chính này cũng chỉ ra 50% cơ hội lãi suất trở về 0% trong năm nay. Việc nhanh chóng quay trở lại mức lãi suất thấp gần như là không thể tưởng tượng được bởi chỉ vài tuần trước thôi, nền kinh tế Mỹ dường như đang chuyển biến tốt.

Sự đảo ngược này nhấn mạnh rằng triển vọng về sự tăng trưởng đã bị làm mờ đi nhanh chóng như thế nào bởi sự bùng phát của virus Covid-19 đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra một rào cản đáng ngại về chi tiêu của người tiêu dùng và ngành du lịch.

Tất cả mọi hãng từ Apple (AAPL) và Microsoft (MSFT) đến United Airlines (UAL) và Carnival (CCL) đều đã cảnh báo về sự sụp đổ tài chính. Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó cho thấy, nếu nỗi sợ hãi chiếm lĩnh thị trường tăng lên, một phản ứng tiền tệ mạnh mẽ là rất quan trọng.

Thị trường ngụ ý 90% khả năng xảy ra suy thoái kinh tế

Năm ngoái, trong nỗ lực tìm cách giảm bớt thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Fed đã cắt giảm lãi suất 3 lần liên tiếp. Khi đó, Philip Marey, chiến lược gia cao cấp của ngân hàng Hà Lan - Rabobank đã cảnh báo vào cuối năm 2019 rằng Fed có thể sẽ phải hạ lãi suất về mức 0% để ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Sự bùng phát của dịch bệnh và sự hỗn loạn của thị trường ở hiện tại, chỉ càng làm tăng thêm niềm tin của Marey, "Họ sẽ cắt giảm lãi suất xuống 0%, thậm chí còn nhanh hơn chúng tôi dự đoán. Đã có những "vết nứt" trong nền kinh tế, dịch bệnh chỉ là yếu tố tăng thêm."

Ngay cả khi nỗi đau kinh tế là đáng kể, vẫn có nhiều hoài nghi rằng việc cắt giảm lãi suất vốn đã ở mức thấp sẽ không làm được gì nhiều trong việc khắc phục khó khăn. Trong giới tài chính, rủi ro đó được gọi là "sự bất lực của ngân hàng trung ương".

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng chính sách tiền tệ không thể giải quyết cú sốc cung đến từ việc các nhà máy đóng cửa, hoạt động đi lại bị hủy bỏ cũng như các chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp bị gián đoạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng vẫn còn sớm để dự đoán về việc lãi suất sẽ trở về 0. Rốt cuộc, những tổn thất mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế Mỹ ít hơn những gì mà họ đang lo sợ, tăng trưởng có thể phục hồi nhanh chóng. "Tôi không nghĩ rằng Fed sẽ hạ lãi suất về 0", Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco nhận định.

"Tôi nghĩ rằng Fed nhận ra hiệu quả giảm dần của việc cắt giảm lãi suất và không muốn tạo thêm sự hoảng loạn trên thị trường, và dường như Fed nhận thấy điều đó trong quyết định cắt giảm này."

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đang báo hiệu rằng Fed phải thực hiện những bước đi quyết liệt hơn nữa. Thực tế, việc lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm xuống dưới 1% đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên khắp Phố Wall.

Mặc dù JPMorgan kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tránh được sự suy thoái kinh tế trong năm 2020, nhưng các nhà phân tích cho rằng thị trường lãi suất hiện đang ngụ ý rằng có đến 90% khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Các nhà đầu tư cũng đã định giá 46% cơ hội rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất xuống dưới mức 1% vào cuối năm nay, theo CME FedWatch Tool. "Thị trường đang gây áp lực đối với Fed, chúng tôi cũng hy vọng rằng Fed sẽ không gây thất vọng," chiến lược gia của Bank of America cho biết.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã thúc giục Fed cắt giảm về lãi suất âm, nhưng một bước đi mạnh mẽ như vậy sẽ đánh sập những người gửi tiết kiệm, ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Và sự thật là chính sách lãi suất âm vẫn chưa thực sự hiệu quả khi cả châu Âu và Nhật Bản vẫn sa lầy với tốc độ tăng trưởng chậm chạp với ít hoặc không có lạm phát.Tất cả những điều này làm dấy lên suy đoán rằng Fed sẽ "nối gót" những ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản trong việc sử dụng lãi suất âm.

"Tôi hoài nghi rằng liệu lợi ích của chính sách lãi suất âm của Mỹ có lớn hơn chi phí không," Loretta Mester, Chủ tịch Fed tại Cleveland cho biết trong một phát biểu hôm 3/3. Ông thừa nhận rằng Fed đang nghiên cứu các công cụ mà cơ quan này có thể sử dụng trong thời kỳ suy thoái và sẽ đánh giá một cách cởi mở về những ưu, nhược điểm của lãi suất âm.

Nhiều khả năng, Fed sẽ chuyển sang một loạt những bước đi khác thường mà cơ quan này đã từng sử dụng với cuộc Đại suy thoái năm 2008, như lời hứa hẹn sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một khoảng thời gian (hay còn gọi là "định hướng thị trường"). Và Fed có thể buộc phải khởi động lại việc nới lỏng chương trình mua trái phiếu trong thời kỳ khủng hoảng nhằm giữ chi phí vay ở mức thấp.