clock

Thế Giới

06:44 01-12-2015

Liệu Thượng đỉnh COP 21 có thể thành công?

Khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu COP21 là chủ đề thời sự chính trên các mặt báo Pháp ngày đầu tuần 30/11/2015. Một trăm năm mươi lãnh đạo các quốc gia tụ họp tại Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris họp bàn để đưa ra một thỏa thuận chung cuộc hạn chế mức tăng khí hậu ở 2°C. Le Figaro đặt câu hỏi lớn: "Khí hậu: Liệu COP21 có thể thành công?".

Người biểu tình tại Berlin dùng hình ảnh cây kem bị tan chảy để biểu tượng cho hiện tượng khí hậu ấm dần. Ảnh AFP PHOTO/JOHN MACDOUGALL

Đây cũng chính là nỗi băn khoăn của nhật báo thiên tả Libération. Sự kiện lớn này cũng làm cho cả "Paris phải nín thở" là tít nhận định của tờ Le Parisien. Hay "Cả thế giới ngay dưới chân tường khí hậu" là lời ca thán của nhật báo L’Humanité.
Trong những băn khoăn trắc trở, tờ La Croix có vẻ lạc quan cho rằng "Khí hậu: Hy vọng về một thỏa thuận". Một hy vọng mà nhật báo Le Monde vẫn còn nghi ngờ khi hỏi: "Liệu chúng ta còn có thể cứu vãn được hành tinh hay không?".
Paris giờ đây đang là "niềm hy vọng chính cho khí hậu" như tựa đề bài xã luận của Le Monde. Những gì được quyết định tại đây từ ngày 29/11 cho đến ngày 11/12/2015, không phải là những điều tầm thường mà sẽ là một chương mới trong lịch sử ngành địa chất học về hành tinh chúng ta.
Vì đây là lần đầu tiên có liên quan đến đời sống của chúng ta: không gian sống của chúng ta không thể nào thay thế được. Điều đó sẽ quyết định cho những thập niên tiếp theo, sự ổn định của các nền xã hội, sự sung túc và an ninh cho hàng tỷ con người trên hành tinh này.
Nhưng để có thể làm được điều này, tờ Libération cho rằng cần phải vượt qua "năm thách thức". Đó là, hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 2°C, cài đặt dần các hình thức cưỡng chế, đáp trả thái độ hoài nghi, chấm dứt kỷ nguyên hóa thạch, và đảm bảo có được 100 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia phía nam chống đỡ với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Từ đó, nhật báo kinh tế Les Echos điểm ra "10 điểm quan trọng cho cuộc đàm phán khí hậu lịch sử", tít lớn trên trang nhất. Các điểm đó bao gồm: "Thỏa thuận tương lai sẽ mang tính chất toàn cầu hay không; Một thỏa thuận không mang tính ràng buộc nhưng thật sự có liên quan; Các quy định khác nhau tùy theo tình hình từng nước; Mức tăng nhiệt độ giới hạn ở 2°C từ đây đến cuối thế kỷ; Hỗ trợ các quốc gia thích hợp với hiện tượng ấm dần; Thiết lập các điều khoản về xem xét lại mức tăng nhiệt độ; Công nhận các thiệt hại cho những nước dễ bị ảnh hưởng nhất; Cụ thể hóa lời hứa 100 tỷ đô la; Có những quy định chung về đo lường sự phát thải khí; Đánh thuế cao thải khí carbon".
"Sự thái quá"
Tuy nhiên, xã luận của tò Libération còn lưu ý đến một mặt trận thứ hai không kém phần quan trọng. Nếu như mặt trận này thất bại sẽ có những hậu quả khôn lường.
Đó là: "Làm thế nào người dân có được niềm tin ở các lãnh đạo của mình nếu như cuộc tụ họp ầm ĩ đó không đưa ra được một kết quả nào? Làm thế nào trấn an được công dân của mình nếu như sau cả một chiến dịch truyền thông rồi cuối cùng cũng chỉ sản sinh được có một con chuột nhắt màu xanh?".
Tờ báo cảnh báo: "Sự bất lực của chính quyền là tội ác với thời đại". Đây cũng là một quan điểm cũng được nhật báo L’Humanité đồng chia sẻ.
Theo Libération, "chính sự bất lực đó làm nản lòng xã hội dân sự, nuôi dưỡng sự thờ ơ của công luận, góp phần làm gia tăng những hiện tượng cực đoan tại các nước. Các quốc gia lớn trên hành tinh đang bị hâm nóng này cũng có một trách nhiệm quan trọng ngang bằng với mối nguy thảm khốc. Nhưng những hành động thái quá cũng đang bắt đầu nhen nhúm dưới cái cớ của tình trạng khẩn cấp, hòng ngăn chặn xã hội dân sự".
Cuối cùng nhật báo cũng lưu ý là: "Nếu như COP21 kết thúc mà không có một thỏa thuận nào, hay như một thỏa thuận không có ràng buộc, thì cuộc thượng đỉnh lần này chỉ đơn giản là một chiến dịch tuyên truyền về môi trường.Và như vậy, sự mất tin cậy của các nhà lãnh đạo, các nghị sĩ sẽ còn tệ hơn nữa".
Trung Quốc thích tăng trưởng hơn khí hậu
Trung Quốc không muốn bị chỉ trích là quốc gia phát thải nhiều nhất khí gây hiệu ứng nhà kính. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đưa ra cam kết từ đây đến năm 2030 giảm từ 60%-65% lượng khí thải.
Nhưng tờ Le Figaro, trong bài viết đề tựa "Trung Quốc không muốn hy sinh tăng trưởng cho khí hậu", cho biết là Bắc Kinh muốn thực hiện theo cách riêng của mình.
Tinh trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang là mối bận tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản, nhằm duy trì ảnh hưởng lên tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, "tăng trưởng xanh" cũng là một đòn bẩy kinh tế quan trọng.
Dù vậy, phát triển kinh tế cho những thập niên tới vẫn là một ưu tiên, và như vậy để lại gánh nặng chống biến đổi khí hậu môi trường cho các quốc gia "giàu có".
Theo giải thích của một lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp, "Trung Quốc thật sự rất muốn có một nền kinh tế ‘xanh’, nhưng họ từ chối việc bị người khác áp đặt".
Thái độ ngập ngừng đó của Trung Quốc là một trong những mối bận tâm chính của điện Elysée. Do bởi, Pháp luôn nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc đưa ra được một thỏa thuận "có tính chất ràng buộc".
Lo lắng về điểm này, đầu tháng 11/2015, Tổng thống Pháp đã đến gặp đồng nhiệm Trung Quốc để làm rõ điểm "mấu chốt" này. Đương nhiên ông Hollande đã có được lời hứa của Trung Quốc cùng nhau làm việc để hạn chế mức tăng nhiệt độ.
Nhưng tờ Le Figaro lưu ý cách thực hiện chi tiết về cơ chế hoạt động và nhất là phương cách kiểm soát sẽ là một trong những điểm nhạy cảm trong cuộc đàm phán tại Paris lần này.

 

Theo Bizlive