clock

Tài Chính

16:56 08-08-2022

Lỗ hổng quản lý trong vụ chiếm dụng hơn 131 tỷ đồng tại Artex

Cáo trạng cho thấy, do thiếu kiểm tra, Unimex Hà Nội không phát hiện sớm các sai phạm xảy ra tại Trung tâm Artex, khiến nhà nước thất thoát hơn 131 tỷ đồng...

Ảnh minh họa

Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với ông Phạm Văn Thắng (SN 1954, ở Vĩnh Phúc, cựu giám đốc Trung tâm Artex Hà Nội) và 10 bị can trong vụ án chiếm dụng hơn 131 tỷ đồng.

Các bị can Thắng, Trần Thị Lan Hương (SN 1977, cựu Trưởng phòng Kế toán Artex), Nguyễn Văn Quân (SN 197, cựu Trưởng phòng kinh doanh 1 Artex), Nguyễn Đắc Phước (SN 1953, cựu giám đốc Công ty Đắc Nguyên), Nguyễn Thị Ngọc Uyên (SN 1973, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty An Ninh) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị can Trần Quốc Hùng (SN 1958, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Unimex Hà Nội), Đặng Thị Minh Chi (SN 1958, cựu Phó Tổng giám đốc Unimex Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Liên (SN 1959, cựu Trưởng phòng kế toán Unimex Hà Nội), Nguyễn Hữu Quyết (SN 1978, cựu Phó phòng tài chính Unimex Hà Nội) bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn bị can Trịnh Hùng Thắng (SN 1960, cựu Trưởng phòng tín dụng Agribank), Đoàn Thị Thanh Chuyên (SN 1986, cán bộ tín dụng) bị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Thắng từng bị nhận án 12 năm tù về tội Cố ý làm quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào năm 2018.

CẤU KẾT VỚI ĐỐI TÁC ĐỂ CHIẾM DỤNG HƠN 131 TỶ ĐỒNG
Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (tức Unimex Hà Nội) trước đây là doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa vào năm 2018. Còn Trung tâm thương mại xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội (viết tắt là Artex) là chi nhánh trực thuộc Unimex Hà Nội, hạch toán phụ thuộc. Hàng năm, Unimex Hà Nội ủy quyền để Artex được giao dịch, ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, hợp đồng tín dụng…

Trên cơ sở đề xuất, năm 2011, 2012, Unimex Hà Nội đã phê duyệt phân bổ hạn mức cho Artex vay vốn mỗi năm là 230 tỷ đồng tại 4 ngân hàng. Đồng thời ông Trần Quốc Hùng cũng ký các giấy ủy quyền và bảo lãnh để Artex vay vốn.

Lợi dụng việc được Unimex Hà Nội bảo lãnh, Phạm Văn Thắng đã bàn bạc với Nguyễn Thị Ngọc Uyên và Nguyễn Đắc Phước để lập các hợp đồng mua, bán khống nhằm hợp thức hồ sơ vay vốn tại 4 ngân hàng trên.

Thực hiện thỏa thuận trên, Phước và Uyên đã chỉ đạo nhân viên lập khống 82 hợp đồng mua, bán hàng hóa và 82 biên bản giao nhận hàng hóa thể hiện việc Artex mua hàng của Công ty Long Vân, Công ty In Phụ Nữ, Công ty Á Châu rồi bán cho Công ty An Ninh và Công ty Đắc Nguyên.

Căn cứ vào các hợp đồng mua bán khống, Nguyễn Văn Quân chỉ đạo nhân viên phòng kinh doanh 1 lập các phương án kinh doanh khống rồi chuyển cho kế toán để lập hồ sơ vay ngân hàng. Để tránh sự kiểm soát của Unimex Hà Nội, Thắng chỉ đạo Trần Thị Lan Hương lập báo cáo tài chính sai sự thật nhằm che giấu dư nợ thực tế. Trong đó, báo cáo số dư chi tiết tài khoản 131 hàng quý thể hiện, tổng dư nợ phải thu tại Công ty An Ninh có dư nợ cao nhưng ghi thấp và các đơn vị có số dư nợ thấp được điều chỉnh tăng lên.

Sau đó, Artex được vay vốn tại 4 ngân hàng tổng số tiền hơn 643 tỷ đồng và trả nợ gốc 430 tỷ đồng, còn nợ lại 212,7 tỷ đồng. Unimex Hà Nội đã trả nợ thay cho Artex tại 3 ngân hàng tổng số tiền hơn 120 tỷ đồng. Trong đó có gần 51 tỷ đồng là trả cho các hợp đồng đúng mục đích còn hơn 69 tỷ đồng là trả cho các hợp đồng mua bán khống. Số nợ gốc còn lại hơn 92,5 tỷ đồng thì có hơn 44 tỷ đồng là cho các hợp đồng mua bán khống.

Cơ quan tố tụng xác định Phạm Văn Thắng và đồng phạm đã chiếm dụng tiền vay không đúng mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 113,6 tỷ đồng.

Trong số tiền Artex vay vốn ngân hàng, Công ty Đắc Nguyên của Phước sử dụng hơn 38,9 tỷ đồng, Công ty An Ninh của Uyên sử dụng hơn 4,9 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, Phước và Uyên thỏa thuận, thống nhất và ký khống các tài liệu giúp Phạm Văn Thắng.

Các bị can khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an.

THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Theo cáo trạng, hàng năm, các đơn vị trực thuộc Unimex Hà Nội gửi báo cáo đề xuất cấp hạn mức tín dụng đến Ban Tổng giám đốc và Phòng Kế toán tài vụ.

Với chức trách, nhiệm vụ của mình, Nguyễn Thị Phương Liên đã lập tờ trình đề nghị Ban Tổng giám đốc phân bổ hạn mức tín dụng cho các đơn vị trực thuộc được vay vốn tại các ngân hàng, lập các giấy ủy quyền, bảo lãnh vay vốn.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà Liên đã không thẩm định kỹ báo cáo tài chính, không phát hiện dư nợ lớn vượt mức quy định của các khách hàng tại Artex Hà Nội, không kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động kinh doanh. Hậu quả là không phát hiện việc Artex cấu kết với khách hàng lập khống các hợp đồng kinh doanh giấy để vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn vay sai mục đích.

Đến tháng 7/2013, sau khi Phòng Tài chính kiểm tra thực tế các kho hàng của Artex, phát hiện không có hàng, bà Liên chủ trì việc kiểm tra mới phát hiện các sai phạm.

Còn ông Trần Quốc Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Unimex Hà Nội từ tháng 12/2005 đến tháng 5/2006. Theo cơ quan tố tụng, ông Hùng không đôn đốc các phó tổng giám đốc và các phòng ban kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, không phát hiện sai phạm tại Artex.

Trong vụ án này, cán bộ ngân hàng không kiểm tra các kho hàng, không phát hiện việc Artex lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống, không giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Artex. Mặt khác Artex vay vốn để kinh doanh giấy – mặt hàng không được đăng ký trong giấy phép kinh doanh là vi phạm quy định.

Hiện, cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên 2 căn hộ chung cư của bị can Trần Quốc Hùng, 1 căn hộ của bị can Đặng Thị Minh Chi cùng một số tài sản ngân hàng của các bị can.

Đối với đối tượng Nguyễn Hữu Huấn – giám đốc chi nhánh ngân hàng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và hiện đang bị truy nã.

Theo Vneconomy