clock

Trong Nước

06:44 30-11-2015

Lợi nhuận của PVN, Viettel lớn tới cỡ nào?

Lợi nhuận của Viettel = (Tổng lợi nhuận của Mobifone + VNPT) x 3 + FPT Telecom

Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ do Chính phủ vừa công bố cho thấy hiện cả nước đang có 119 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con (gọi chung là Tập đoàn, Tổng Công ty) do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Số liệu từ báo cáo cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo hợp nhất của 119 doanh nghiệp này đạt hơn 176 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 12 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 2 nghìn tỷ đồng (Top 12).

Tổng lợi nhuận của Top 12 lên đến hơn 152 nghìn tỷ, tức 107 doanh nghiệp còn lại chia nhau 24 nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Ngoại trừ SCIC, các doanh nghiệp trong Top 12 đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong một lĩnh vực lớn của nền kinh tế như năng lượng: PVN, EVN; viễn thông: VNPT, Viettel, Mobifone; khoáng sản: Vinacomin…

12 tập đoàn, tổng công ty đứng đâu về lợi nhuận trong năm 2014.

Lợi nhuận của PVN và Viettel bằng tổng lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết

Nhìn vào danh sách lợi nhuận, PVN và Viettel có sự cách biệt lớn so với tất cả các doanh nghiệp còn lại – thể hiện vai trò trọng yếu của 2 tập đoàn này đối với toàn bộ nền kinh tế.

Tổng lợi nhuận của 2 tập đoàn này lên đến 110 nghìn tỷ đồng, thấp hơn một chút so với tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn. Trong đó, PVN đạt 67,8 nghìn tỷ - gấp rưỡi so với Viettel, đạt 42,2 nghìn tỷ.

Phần lớn lợi nhuận của PVN đến từ hai đơn vị thành viên chủ chốt là Tổng Công ty Thăm do và Khai thác dầu khí (PVEP) và Tổng công khí Việt Nam (PV Gas). Trong năm 2014, công ty mẹ PVEP đạt lợi nhuận 30,7 nghìn tỷ trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất của PV Gas đạt 18 nghìn tỷ.

Dù chỉ đứng thứ 2 sau PVN nhưng lợi nhuận của Viettel vẫn tương đương với tổng lợi nhuận của 10 tập đoàn, tổng công ty còn lại.

Lợi nhuận của Viettel tương đương với tổng lợi nhuận của 10 doanh nghiệp đứng liền sau

Lợi nhuận của PVN vẫn nhỉnh hơn chút so với tổng lợi nhuận của 5 doanh nghiệp đứng liền sau cộng lại, gồm Viettel, Mobifone, VNPT, SCIC và EVN

Lợi nhuận của Viettel gấp 3 lần VNPT và Mobifone cộng lại

Cả 3 nhà mạng viễn thông lớn Viettel, Mobifone và VNPT chia sẻ các vị trí thứ 2, 3 và 4 trong Top 12. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của VNPT và Mobifone cộng lại nhân ba vẫn chưa bằng Viettel. Và cộng thêm cả một doanh nghiệp viễn thông lớn khác là FPT Telecom thì mới có thể “so kè”.

Mặc dù có doanh thu chỉ bằng ½ so với VNPT nhưng Mobifone lại có lợi nhuận cao hơn. Với lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận cao, Mobifone là một trong những đợt IPO được mong chờ nhất trong năm 2016. Một số doanh nghiệp khác trong Top 12 cũng đang hoặc sắp tiến hành IPO như ACV, VEAM...

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ liên doanh

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp – VEAM có lẽ là doanh nghiệp “lạ” nhất trong danh sách nhưng lại đứng trên nhiều doanh nghiệp lớn khác như Tổng Công ty Cảng hàng không, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Than Khoáng sản…

VEAM và các công ty con hoạt động chính là sản xuất xe tải mang thương hiệu VEAM Motor, sản xuất phụ tùng ô tô, chế tạo động cơ… Tuy nhiên, trong khi hoạt động kinh doanh chính không quá nổi bật thì các khoản góp vốn liên doanh tại các doanh nghiệp ô tô lớn lại mang về cho VEAM khoản lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ.

VEAM hiện sở hữu 20% vốn tại Toyota Việt Nam, 30% vốn tại Honda Việt Nam và 25% vốn tại Ford Việt Nam.

Tương tự như VEAM, lợi nhuận của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng chủ yếu đến từ 30% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) – doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các thương hiệu Heineken, Tiger, Larue… tại Việt Nam.

Các công ty liên doanh liên kết của PVN, trong đó nổi bật nhất là liên doanh Vietsovpetro, cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của tập đoàn này.

Theo Trí thức trẻ/CafeF