clock

Trong Nước

09:05 07-12-2015

Long đong các siêu dự án lọc dầu tỷ đô

Những dự án lọc dầu nhiều tỷ USD đang có vấn đề về tiến độ đầu tư. Trong khi đó, dự án lọc dầu Dung Quất lại liên tục xin hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Chậm trễ

Một trong những dự án lọc dầu có số vốn hứa hẹn đầu tư cao nhất ở Việt Nam là dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Với số vốn 22 tỷ USD, dự án của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã thu hút sự chú ý của dư luận ngay từ những ngày đầu công bố kế hoạch đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, siêu dự án này sẽ được cấp phép đầu tư vào tháng 6/2015, nhưng đến nay, điều này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Một đại dự án lọc dầu khác là Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư cũng không thuận lợi khi triển khai thực hiện.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn do nhà đầu tư Nhật rót vốn 9,9 tỷ USD ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Tính đến hết tháng 8/2015, tiến độ thực hiện hợp đồng EPC của dự án mới đạt 63,9%, chậm 6,24% so với kế hoạch.

Trong khi dự án lọc dầu Nghi Sơn còn đang trong quá trình xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị phải bao tiêu sản phẩm cho nhà máy đã tính toán rằng, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000 m3.

Tình hình này khiến PVN cho rằng việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là “khó khăn rất lớn đối với PVN”. Vì vậy, PVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota NK sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu này được tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.

Sản phẩm lọc hóa dầu ùn ứ không phải là nguy cơ chỉ xảy ra ở Nghi Sơn. Ngay cả nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đang đi vào hoạt động là Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng rơi vào tình cảnh sắp hết chỗ chứa hàng tồn kho. Theo PVN, hiện mức thuế NK cho sản phẩm của lọc dầu Dung Quất vẫn cao hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định trong các Hiệp định thương mại tự do.

Theo tính toán của PVN, giả sử nửa cuối tháng 12 khách hàng không lấy hàng theo lịch và đẩy lùi sang tháng sau thì lượng hàng tồn kho dự kiến khoảng 190.000 m3, trong khi sức chứa tối đa của nhà máy là 150.000 m3 cho dầu DO. Như vậy, công ty sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trước tình thế này, PVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giảm mức thuế NK mặt hàng DO giảm về mức 7% cho những tháng cuối năm 2015. Về dài hạn, PVN muốn biểu thuế áp dụng cho BSR năm 2016 là biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và tăng mức giá trị ưu đãi cho mặt hàng xăng của BSR.

Cân nhắc phát triển lọc dầu

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần hết sức cân nhắc các ưu đãi, hỗ trợ cho những dự án lọc dầu. TS. Ngô Minh Hải nói: Cần tránh tình trạng khi lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt thì “ngon ngọt” rằng dự án có hiệu quả, làm xong “kêu” khổ, thừa không bán được lại “kêu” Nhà nước hỗ trợ.

Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là bước đột phá phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên khi làm nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi, nhưng khi các dự án lọc dầu đang ngày càng nhiều ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi nên siết lại.

“Việc các dự án lọc dầu như Dung Quất xin thêm ưu đãi là có vấn đề, không bình thường. Quan trọng là cơ quan quản lý phải “bẻ” được các vấn đề nhà đầu tư kêu ca...” - TS. Ngô Minh Hải chia sẻ.

Chia sẻ với báo giới, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài từng nhấn mạnh: Chính phủ nên thận trọng, cân nhắc trong phát triển công nghiệp hóa dầu và nên để dành đất đai đó, tiềm năng con người đó phát triển các ngành công nghiệp tương lai như công nghiệp điện tử, công nghiệp vi sinh… Về lợi ích của các dự án lọc dầu, tôi đảm bảo là Việt Nam không được bao nhiêu.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, càng kéo dài ưu đãi càng làm cho nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể có sức cạnh tranh. “Các nhà máy lọc dầu khác cũng phải xem lại chính sách ưu đãi. Phải tuân theo cam kết và thông lệ quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của ta.

Chủ trương xây dựng nhiều nhà máy lọc hóa dầu vừa qua và hiện nay là không phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bây giờ trót làm rồi thì đành chịu, từ nay phải thay đổi. Đó chính là cơ cấu lại kinh tế để chuyển đổi mô hình tăng trưởng” - TS Lưu Bích Hồ nói.

Theo Hải Quan