clock

Doanh Nghiệp

04:54 27-10-2017

Lục lại quá khứ, Khaisilk từng thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ bài phỏng vấn năm 2013

Trong bài phỏng vấn vào tháng 12/2013 với tạp chí Forbes Việt Nam, doanh nhân Khaisilk từng thừa nhận đã sớm nhập hàng Trung Quốc về bán tại các cửa hàng lụa của mình. Vị này gọi đó là những thương vụ "một vốn mười lời".

Tháng 12/2013, doanh nhân Hoàng Khải xuất hiện trong bài phỏng vấn dài 6 trang trên báo Forbes Việt Nam trong bài viết mang tên "Người làm nên Khải Silk". Tâm sự về câu chuyện khởi nguồn của Khaisilk, vị doanh nhân này không quên nhắc tới cửa hàng 113 Hàng Gai, nơi gắn liền với sự nghiệp kinh doanh tơ lụa của gia đình ông, và giờ đây cũng là tâm điểm của khủng hoảng về niềm tin sau khi bị khách hàng phanh phui vụ lừa đảo cắt mác Trung Quốc, gắn mác Việt Nam.

Trong bài viết khi đó, ông Hoàng Khải bình luận bằng một câu nói rất nổi tiếng của mình: "Chính tôi là người khai sinh ra phố tơ lụa Hàng Gai". Ông kể công ty Khaisilk đặt vải lụa, đặt làm các sản phẩm ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, rồi vào tận Đà Nẵng đặt hàng, giúp tạo nên công việc cho nhiều gia đình chuyên gia công các sản phẩm cho thương hiệu Khaisilk.

"Về sau, khi công việc làm ăn tấn tới, Khải còn nhập các sản phẩm lụa từ Trung Quốc. Ông không phủ nhận chuyện này, cho rằng 'mẫu mã là do mình thiết kế, mình chỉ đặt hàng theo ý mình'. Kinh doanh 'một vốn, mười lời', nhưng có bài bản, ông Khải tạo ra được tên tuổi riêng, xác lập đẳng cấp cao hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh", bài viết ghi rõ.

Với Hoàng Khải, việc kinh doanh tơ lụa ở Hà Nội đã đem về cho công ty ông thương hiệu nổi tiếng đầu tiên, và đến nay cũng gắn liền với thương hiệu cá nhân vị doanh nhân này - Khaisilk. Vì vậy, việc kinh doanh này cũng được ông giữ lại dù giờ đây, các cửa hàng lụa ở Hà Nội không còn phát triển mở rộng như xưa, và đóng góp vào doanh thu toàn tập đoàn không nhiều.

Trong vụ khủng hoảng về bán hàng giả, Hoàng Khải lên tiếng trên báo chí rằng ông vẫn trực tiếp làm công đoạn thiết kế cho các sản phẩm của Khaisilk, dù thừa nhận bản thân thiếu sát sao trong hoạt động của các cửa hàng. Điều này cũng trùng hợp với thông tin ông đã từng đưa ra vào năm 2013, đồng thời cho biết hàng hoá bán chạy nhất tại Khaisilk là khăn lụa và carvat, với các khách hàng là người tiêu dùng cao cấp, doanh nghiệp mua làm quà biếu đối tác.

Là người tiên phong với tơ lụa từ thương hiệu Khaisilk, cũng có thể nói đây chính là nguồn gốc cho số tài sản hàng triệu USD của vị doanh nhân này. Ông nói về chuyện người khác nghi ngờ về sự giàu có của mình bằng một lời đánh giá "Có lẽ họ không hiểu những thứ tôi làm đều thuê được rất rẻ, vì mình là người tiên phong".

Nhưng có lẽ, sự nhanh nhạy với cái rẻ đó đã khiến ông không ý thức được hậu quả 30 năm sau đó mà mình phải gánh chịu. Bởi trong kinh doanh, niềm tin rất khó định giá, nhưng chắc chắn không có giá rẻ!

 
 

theo Nhịp sống kinh tế