clock

Thế Giới

12:35 10-12-2015

Lý do bà Merkel trở thành Nhân vật của năm

Việc tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ ngày 9/12 chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho thấy sự ghi nhận những đóng góp to lớn của bà với thế giới và khu vực trong năm 2015.

Lần đầu tiên kể từ năm 1986, TIME bình chọn một người phụ nữ trở thành Nhân vật của năm. Đây là danh hiệu dành cho những người góp phần làm thay đổi thế giới theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin hay ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump..., danh sách bầu chọn cuối cùng còn có lãnh đạo lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr Al-Baghdadi. Tuy nhiên, nữ thủ tướng Đức được xướng tên vì những đóng góp cho thế giới và khu vực.

2015 là năm thứ 10 bà Angela Merkel đảm trách cương vị thủ tướng Liên bang Đức. Là lãnh đạo một trong những nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), liên doanh thịnh vượng nhất hành tinh, bà Merkel có nhiều đóng góp cho sự vững bền của tổ chức. Trong một số thời điểm, nữ thủ tướng Đức đã đưa ra những quyết định cứng rắn và quan trọng, giúp bảo vệ EU cũng như hòa bình trong khu vực.

Bất ổn Ukraine

Đầu năm 2015, thách thức lớn đầu tiên của bà Merkel là tình hình bất ổn ở Ukraine. Nga là đối tác lớn của châu Âu, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow đe dọa tới nền kinh tế EU, trong đó Đức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dù NATO không loại trừ giải pháp quân sự ở Ukraine, đây là điều có thể mang đến những hậu quả khôn lường cho tất cả các nước.

Tháng 2, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm ở Moscow nhằm tìm giải pháp cho bất ổn Ukraine. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức muốn thiết lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga. Sau cuộc đàm phán ở Moscow, các bên đạt được thỏa thuận thực thi lệnh ngừng bắn nhằm hiện thực hóa Hiệp ước Minsk.

Ngay sau đó, tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 ở Đức, bà Merkel tiếp tục gặp Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề nan giải. Bà Merkel cũng tới Mỹ gặp Tổng thống Obama để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành Nhân vật của năm 2015. Ảnh: Telegraph

Phát biểu khi kết thúc Hội nghị An ninh Munich, bà Merkel bác khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine mà thay vào đó là kêu gọi các nước thuyết phục đôi bên thực thi lệnh ngừng bắn trong Hiệp ước Hòa bình Minsk. Nhiều thành viên của NATO cũng đồng tình với quan điểm của bà Merkel và cho rằng viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ làm căng thẳng leo thang.

Tháng 5, bà Merkel tiếp tục gặp Tổng thống Nga Putin để bàn về vấn đề Ukraine. Nữ thủ tướng 61 tuổi của nước Đức vẫn khẳng định các bên cần “phối hợp” để tìm ra giải pháp ngoại giao cho tình hình bất ổn ở Ukraine. Tổng thống Putin cũng kêu gọi Nga và Đức bắt tay để tìm giải pháp cho những vấn đề tồn tại giữa đôi bên. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra một ngày sau khi Nga tổ chức lễ diễu binh lớn nhất lịch sử nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít.

Khủng hoảng nợ Hy Lạp

Khi vấn đề Ukraine còn đang ngổn ngang dù xung đột đã hạ nhiệt, Liên minh châu Âu phải đối mặt với vấn đề khác chính là cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Những chính sách cứng rắn của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khiến mọi cuộc đàm phán đều đi vào ngõ cụt. Sự việc đẩy Hy Lạp tới nguy cơ tách khỏi Liên minh châu Âu (EU), đe dọa phá hủy khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone).

Athens lập luận, các quy định của chủ nợ quá hà khắc, khiến cuộc sống của người dân bị đẩy tới mức khốn cùng. Khi mọi cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tin rằng một thỏa thuận về khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là khả thi.Bà Merkel cũng từng tuyên bố Đức đang nỗ lực hết sức để giữ Hy Lạp trong Euro Zone. Tuy nhiên, Athens cần phải làm đúng trách nhiệm của họ.

Tình trạng căng thẳng giữa Hy Lạp và các chủ nợ kéo dài tới trung tuần tháng 8. Sau cuộc đàm phán kéo dài 23 giờ ngày 11/8, Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ 86 tỷ euro. Dù rất nỗ lực giữ Hy Lạp ở lại Euro Zone nhưng bà Merkel khẳng định Đức sẽ không trả mọi giá để đạt được thỏa thuận với Hy Lạp. Nó cho thấy sự nhượng bộ của Athens trong quá trình đàm phán để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

Cơn lũ người di cư

Trái ngược với vẻ lạnh lùng và tính kiên định trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nhanh chóng trở thành “vị cứu tinh” cho những người di cư đang mắc kẹt ở châu Âu trong hành trình chạy trốn bạo lực, chiến tranh và nghèo đói nơi quê nhà. Khi cả châu Âu đang quay lưng với người di cư, bà Merkel tuyên bố Đức không đóng cửa biên giới với người tị nạn.

Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Đức khiến dòng người nhập cư chuyển hướng, gây ra nhiều vấn đề nan giải đối với quốc gia này. Đã có những thời điểm, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel giảm sút vì nhiều người phản đối chủ trương mở cửa cho người di cư. Tuy nhiên, nữ thủ tướng 61 tuổi kiên định.

Nhiều quốc gia khác ở châu Âu, những nước gánh thiệt hại nặng nề khi cơn lũ người di cư quét qua, cũng phản đối quyết định của bà Merkel. Tuy nhiên, những điều đó không làm thay đổi quan điểm của “bà đầm thép” nước Đức. Bà Merkel còn kêu gọi các nước EU khác phải có trách nhiệm che chở cho người tị nạn. Những điều đó khiến bà được gọi là “lương tâm của châu Âu”.

Với những người dân Đức ủng hộ quan điểm của bà Merkel, họ đã mang đồ chơi, lương thực và nước tới chia cho những người tị nạn vừa đáp xuống sân ga. Đối với những người tị nạn, Đức thực sự đã trở thành miền đất hứa dù nếu so với những hiểm nguy, khổ nhục họ đã trải qua suốt hành trình bán mạng tìm cuộc sống yên bình. Tuy nhiên, không phải mọi người di cư đều được phép ở lại. Đức vẫn có những quy định rõ ràng cho việc tiếp nhận người tị nạn.

 Hồng Duy/ Zing