clock

Doanh Nghiệp

06:49 24-10-2015

Masan Consumer - Doanh nghiệp bán ... nước mắm lãi gần nghìn tỉ

Mảng nước chấm với các thương hiệu như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái tử mang về cho Masan Consumer hơn 800 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và tỉ suất lợi nhuận trên 60%.

Trong số các DN hàng tiêu dùng trong nước, Masan- Masan Consumer (MSF) được xem là một thế lực hùng mạnh. Theo thống kê của Kantal World Panel, 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan Consumer.

Đó là những cái tên quen thuộc như nước mắm Nam Ngư, tương ớt Chin-Su, mì Omachi, Sagami,… hay các nhãn hiệu đồ uống như Vinacafe, nước tăng lực Wake-up, nước khoáng Vĩnh Hảo…

Thống kê cho thấy các sản phẩm ngành hàng nước chấm, cafe hòa tan của MSF đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Dù kinh doanh khá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhưng ngành hàng nước chấm và mì ăn liền là 2 mảng đem lại nguồn thu chính cho MSF.

Trong nửa đầu năm 2015, doanh thu MSF đã có sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014 khi chỉ ghi nhận 5.586 tỷ đồng.

Các sản phẩm thực phẩm tiện lợi (phần lớn là mì gói) đang đứng thứ 2 thị phần toàn ngành. Thị phần mì gói của Masan không ngừng tăng trong những năm qua. Dù là một trong những kẻ chậm chân nhất, Masan nhanh chóng leo lên vị trí thứ 2 thị trường, chỉ xếp sau Vina Acecook.

Mỏ vàng” nước chấm

Tuy nhiên, mảng nước chấm mới là mảng quan trọng nhất, khi đóng góp vào tổng lợi nhuận cho Masan Consumer luôn trên 50%.

Trong nửa đầu năm 2015, mảng nước chấm mang về cho MSF 884 tỷ đồng LNTT, dù giảm hơn 3% so với cùng kỳ 2014 nhưng vẫn chiếm tới 63% tổng lợi nhuận toàn công ty.

Có thể nói, mảng nước chấm đang là “mỏ vàng” của MSF khi tỷ suất lợi nhuận thường ở mức 40%, vượt trội so với các ngành hàng thiết yếu khác của MSF.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của 2 mảng lớn là nước chấm và mì gói bắt đầu có sự chững lại. Doanh thu 6T/2015 của mảng nước chấm giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014, khi chỉ đạt 2,2 nghìn tỉ đồng.

Trong khi đó, doanh thu mảng mì gói có mức tăng trưởng gần 8%, đạt 2.037 tỷ đồng và gần đuổi kịp doanh thu mảng nước chấm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn còn kém xa mức kỷ lục 73% trong năm 2012 (nhờ sự đóng góp từ 2 thương hiệu giá thấp là Kokomi, Sagami) đang cho thấy mảng mì gói có phần chững lại.

Theo Trí Thức Trẻ/ CafeF