clock

Trong Nước

08:22 08-12-2020

Miền Tây sẽ xuất khẩu điện

ĐBSCL được định hướng sẽ thay thế tất cả các nhà máy điện than chưa xây dựng bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…).

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9 kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rõ ràng rất lớn. Ước tính, cứ 1 m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5 kWh điện mỗi ngày.

Nguồn chiếu sáng này rất ổn định với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời. ĐBSCL được kỳ vọng sẽ là mảnh đất cung cấp năng lượng sạch cho cả nước trong thời gian tới.

Trong năm 2020, ĐBSCL đã đón được nhiều dự án điện lớn như Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16/1/2020).

Bạc Liêu cũng là tỉnh đi đầu trong phát triển điện gió với 2 nhà máy điện gió hòa vào lưới điện quốc gia là Bạc Liêu 1 và Bạc Liêu 2. Hiện toàn bộ chiều dài bờ biển 56km của tỉnh hầu như đã phủ kín các dự án điện gió, điện mặt trời.

Tính đến tháng 10/2020, tỉnh đang thi công 9 dự án điện gió, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021 thu hút 40 dự án điện gió khác, hiện đang chờ bổ sung vào Quy hoạch điện VIII quốc gia.

Hiện Sóc Trăng đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10/2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.

Tại Bến Tre, từ nay đến năm 2030, tỉnh được Bộ Công thương phê duyệt về phát triển điện gió ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi với diện tích 39.320ha. Bến Tre hiện đã được phê duyệt 6 nhà máy điện gió. Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đặc biệt, dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, sắp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay xác định ĐBSCL là vùng xuất khẩu năng lượng.

ĐBSCL được định hướng sẽ thay thế tất cả các nhà máy điện than chưa xây dựng bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), trong đó, chú trọng quy trình xử lý chất thải vùng với lượng chất thải thu gom từ nhiều tỉnh để đạt được quy mô hiệu quả và áp dụng phương pháp đốt rác thanh năng lượng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.