clock

Bất Động Sản

08:25 03-11-2015

Mô hình Hà Nội trong tương lai

Thủ đô sẽ thay da đổi thịt vào năm 2030 với hàng loạt công trình lớn nhỏ cùng nhiều thành phố vệ tinh, qua sa bàn tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch.

Sa bàn toàn cảnh quy hoạch Hà Nội năm 2030, tầm nhìn 2050 tại tầng hai của Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Quốc gia (Hà Nội).

Khách đến tham quan có thể hiểu được phần nào về thủ đô trong tương lai qua các mô hình, bản vẽ khá thực tế.

Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình. Một số cơ quan Trung ương sẽ bố trí ở Tây hồ Tây và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Một trong những dự án gần nhất trong vài năm tới là sự xuất hiện của công trình cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn.

Dự báo tới năm 2020, dân số Hà Nội khoảng 7,3-7,9 triệu người và đạt 9 triệu vào năm 2030. Trong ảnh là trung tâm kinh tế mới tại trục đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ (vành đai 3).

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Trong ảnh sa bàn là khu vực có toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam.

Tại khu vực nội đô sẽ tăng diện tích xây dựng các trường phổ thông và mầm non thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan. Trong ảnh sa bàn là trục Đại lộ Thăng Long dẫn vào trung tâm thành phố.

Từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng. Trong ảnh là trục đường Nguyễn Trãi với tuyến tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn sử dụng mỗi người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2 sàn sử dụng mỗi người.

Khu vực nội đô sẽ được cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật.

Trên ảnh sa bàn là một góc khu vực quận Hà Đông trong tương lai.

Địa bàn quận Long Biên cũng là một trong những khu vực được chú trọng phát triển. Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân trong tương lai.

Diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ.

Trên trục đường ngoại thành từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc, nhiều toà cao ốc cũng được xây dựng. Từ nay đến năm 2030 sẽ di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở sở ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.

Sau khi đường vành đai 2 hoàn thành nối liền đường dẫn cầu Nhật Tân với đường Bưởi, địa bàn Xuân La, Xuân Đỉnh thuộc hai quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm sẽ phát triển thành khu đô thị rộng lớn.

Các toà chung cư mới nằm trên địa bàn quận Tây Hồ. Khu mở rộng phía nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4) gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Đây là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Bản vẽ dự án khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông. Toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Hà Nội, rộng hơn 3.340 km2. Tổ chức không gian sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Dự báo dân số ở 5 đô thị vệ tinh đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3-1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha.

Từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị, xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai (đã xong), Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng (sắp khánh thành), Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

Anh Tuấn/ Zing