Danh mục gốc
13:30 21-11-2024Mở rộng hoạt động, DN Đức xây dựng nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam
Dự án được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới để sản xuất các mặt hàng cao cấp, 100% xuất khẩu cho thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
Nhà máy sản xuất bao bì lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Tập đoàn Đồng Tâm (Dongtam Group) được thành lập vào năm 1969 với năng lực cốt lõi là sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, cũng như trang trí nội ngoại thất. Trong hơn 55 năm trên thị trường và 20 năm phát triển và cho thuê cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, Đồng Tâm đã chuyển đổi thành công thành một tập đoàn đa ngành.
Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại Châu Âu của tỉnh Long An, Đồng Tâm đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn QuickPack (CHLB Đức) để cho thuê đất trong Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam Á Long An (do Dongtam Group làm chủ đầu tư).
Theo thỏa thuận, QuickPack sẽ thuê 60.000 m2 đất để mở rộng quy mô nhà máy, với tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 30 triệu EUR (tương đương 810 tỷ đồng). Đây là Nhà máy sản xuất bao bì các loại dùng trong ngành thực phẩm lớn nhất khu vực Đông Nam Á của QuickPack được đặt tại tỉnh Long An, Việt Nam.
Dự kiến nhà máy mới này sẽ khởi công từ năm 2025 và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới để sản xuất các mặt hàng cao cấp, 100% xuất khẩu cho thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
QuickPack thành lập năm 1966 tại Stuttgart-Feuerbach (Đức). Đây là doanh nghiệp chuyên về sản xuất hàng gia dụng và sản phẩm vệ sinh, cung cấp cho các công ty thương mại quốc tế và chuỗi bán lẻ. Các sản phẩm nổi bật của công ty gồm giấy bạc, màng giữ tươi, túi đông lạnh, túi đựng thực phẩm, giấy nướng phục vụ cho ngành gia dụng, thực phẩm và y tế.
Trên thực tế, đây không phải dự án đầu tiên của QuickPack. QuickPack có mặt tại Việt Nam năm 2017 khi đầu tư nhà máy đầu tiên vào KCN Thuận Đạo, tỉnh Long An. Cùng với sự đồng hành của chủ đầu tư khu công nghiệp, QuickPack trở thành một trong những nhà đầu tư FDI hoạt động hiệu quả.
Năm đầu tiên, QuickPack đã xuất khẩu hơn 50 TEUs, đến năm 2024 con số xuất khẩu tăng lên hơn 2.000 TEUs. Sau 7 năm phát triển, QuickPack quyết định tiếp tục mở rộng quy mô dự án 10ha KCN, tăng gấp đôi công suất của QuickPack tại Việt Nam.
Kế hoạch trong năm 2025, QuickPack sẽ xuất khẩu trên 3.500 TEUs hàng hóa đến các thị trường trọng điểm này. Doanh thu của các nhà máy tại Đức, Ba Lan và Việt Nam trong năm 2024 đạt 500 triệu EUR và dự kiến sẽ tăng lên 550 triệu EUR vào năm 2025.
Nhiều lợi thế cho phát triển của Long An
Long An thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉnh này giáp với Tp.HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang và tỉnh Svay Rieng của Vương Quốc Campuchia.
Sở hữu vị trí địa lý khá đặc biệt, bên cạnh đó còn thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Long An là tỉnh đầu tiên ở vùng Đông bằng sông Cửu Long được phê duyệt quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Long An sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước.
Tỉnh hiện đang tập trung triển khai quy hoạch, tạo đà phát triển với vị trí chiến lược, đô thị hóa nhanh, hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Thêm vào đó, chỉ số PCI năm 2023 của Long An đứng thứ 2 cả nước, có những lợi thế nhất định để phát triển công nghiệp – dịch vụ nhờ đó tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI về đầu tư.
"Việt Nam nói chung và Long An nói riêng có nhiều dư địa tiềm năng lớn để phát triển. Đặc biệt Long An với cơ sở hạ tầng phát triển, đường biên giới dài với Campuchia cũng như có Cảng Quốc tế Long An, có rất nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài.
Liên minh Châu Âu đã có 15 nước đầu tư vào Long An và tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Đức chọn Long An để đầu tư. ĐBSCL không chỉ có nông thuỷ sản mà còn có nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển với tỉnh Long An là một ví dụ điển hình", ông Philipp Rosler – Nguyên Phó Thủ tướng Đức – Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thuỵ Sỹ chia sẻ.
Việc ký kết hợp tác này của Đồng Tâm có một ý nghĩa quan trọng. Tỉnh Long An đặt mục tiêu biến huyện Cần Giuộc thành trung tâm động lực kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Long An. Có thể khai thác thế mạnh trong liên kết vùng khu vực tiếp giáp TP.HCM, ĐBSCL và vùng phụ cận trong tỉnh Long An. Hướng đến cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo định hướng không gian tổng thể, Cần Giuộc sẽ phát triển đô thị gắn với Cảng quốc tế Long An, là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và phụ cận. Bao gồm các đô thị Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và đô thị Bến Lức, Cần Đước (Long An). Dự án Cảng quốc tế Long An tích hợp do Tập đoàn Đồng Tâm phát triển.
Pha Lê
Tin liên quan
- DiHotel tặng phần mềm đào tạo ngành Du lịch cho Đại học Kiên Giang
- Mở rộng hoạt động, DN Đức xây dựng nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam
- Shark Lê Hùng Anh thẳng thắn: Mấy lớp dạy làm giàu thật nhảm nhí, tào lao, chẳng ai truyền cho đâu!
- Kinh tế Việt Nam 10 tháng: Xuất siêu hơn 23 tỷ USD, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch hơn 98 tỷ USD