clock

Thế Giới

06:48 04-11-2015

Mọi thứ vẫn trong vùng kiểm soát của bà Angela Merkel

Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn kiểm soát được tình hình chính trị trong nước và khi liên minh đảng CSU/CDU vẫn còn thì rất khó để có thể lay chuyển vị thế chính trị của nhà nữ lãnh đạo này.

Trong thời gian gần đây, những ý kiến về khả năng Thủ tướng Đức Angela Merkel phải từ chức đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi một số thành viên thuộc đảng của bà Merkel không đồng tình về cách xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn tại Châu Âu hiện nay.

Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho rằng khả năng Thủ tướng Merkel phải từ chức hoặc bị lật đổ là khó xảy ra. Dẫu vậy, đúng là bà Merkel đang lâm vào một cuộc chiến gay cấn giữa quan điểm tiếp nhận người nhập cư và ý kiến phản đối.

Vào cuối tuần trước, bà Merkel đã có một cuộc tranh luận căng thẳng với nhà lãnh đạo Horst Seehofer của vùng Bavaria-Đức và cũng là người đứng đầu đảng CSU, đảng liên minh với CDU của bà Merkel. Ông Seehofer hiện muốn nhà lãnh đạo Đức phải có hành động chấm dứt dòng tị nạn đổ vào nước này hoặc đảng của ông sẽ có “hành động.”

Mối quan tâm của ông Seehofer là điều dễ hiểu khi vùng Bavaria là nơi hầu hết những người nhập cư chọn để bắt đầu cuộc sống mới và người dân bản địa ở đây là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kế hoạch phân bố người tị nạn của bà Merkel.

Vào đầu tháng 10/2015, một cuộc khảo sát tại Bavaria cho thấy 2/3 người dân khu vực này muốn dừng tình trạng dòng người nhập cư đang đổ về đây. Trong tháng 9 và tháng 10/2015, phần lớn trong số 10.000 người nhập cư từ Trung Đông mỗi ngày đã băng qua biến giới để đến nước Đức.

Kết thúc cuộc gặp, cả 2 nhà lãnh đạo đảng đều đi đến nhất trí chung và có vẻ ông Seehofer đã tạm chấp nhận giải pháp của Thủ tướng Merkel hiện nay về vấn đề khủng hoảng người nhập cư.

Mặc dù Thủ tướng Merkel không có nhiều lý do để phải lo ngại cho con đường chính trị của mình, nhưng tỷ lệ ủng hộ của liên minh đảng CDU/CSU đã giảm nhẹ. Đây là điều dễ hiểu bởi quyết định chấp nhận dòng người nhập cư vào Đức đã đem lại lợi ích lớn cho đảng AfD, một đảng bài ngoại tại nước này.

Tỷ lệ ủng hộ liên minh CDU/CSU của bà Merkel tại Đức hiện dao động trong khoảng 35-39%, vượt xa so với các đối thủ khác nhưng lại thấp hơn so với mức 41,5% cách đây 2 năm và hơn 50%vào năm 2003. Rõ ràng, tỷ lệ ủng hộ đảng của Thủ tướng Merkel đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm cầm quyền của người đàn bà thép này.

Cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay của bà Merkel được nhiều chuyên gia so sánh như trường hợp thất bại của Cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder năm 2005. Khi đó, đảng của Cựu Thủ tướng Schroeder đã thất bại trong cuộc bầu cử sau khi kế hoạch cải cách kinh tế của ông không được nhiều người dân ủng hộ.

Tuy nhiên, khi ông Schroeder thất bại vào năm 2005, đảng SPD của ông có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn nhiều so với đảng CDU của bà Merkel hiện nay. Hơn nữa, đảng AfD chỉ có 5-6% ủng hộ và không hề liên minh với bất kỳ đảng phái nào khác. Vì vậy, vị thế chính trị của Thủ tướng Merkel hiện vẫn rất khó thay đổi.

Theo Bloomberg, những ý kiến trái chiều trong liên minh đảng CDU/CSU hiện nay cho thấy các chính trị gia mong muốn một chính sách nhập cư chặt chẽ hơn chứ không phản ánh yêu cầu thay đổi đảng cầm quyền tại Đức. Thủ tướng Merkel hiện vẫn có danh tiếng rất cao cả trong lẫn ngoài đảng cầm quyền và chưa có một chính trị gia nào đủ khả năng đương đầu với bà trong cuộc tổng tuyển cử.

Hiện nay tại Châu Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người phản đối chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel nhiều nhất. Ông Orban cũng là người phản đối mạnh mẽ kế hoạch phân bổ người nhập cư tại các nước Châu Âu của bà Merkel. Trong khi đó, cử tri Phần Lan, một nước Châu Âu khác, lại vừa bầu một đảng chống chính sách nhập cư lên làm lãnh đạo.

Hơn nữa, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar cũng vừa tuyên bố rằng nếu Châu Âu không có biện pháp ngăn dòng người nhập cư trái phép như hiện nay thì quốc gia của ông sẽ có động thái chặn biên giới.

Trong trường hợp Đức thất bại để thuyết phục các nước Châu Âu đi đến một thỏa thuận chung cho vấn đề người nhập cư trái phép hiện nay, vai trò và vị thế lãnh đạo của Đức tại Châu Âu sẽ bị nghi vấn. Đồng thời, dù danh tiếng của Thủ tướng Merkel cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng đó là vấn đề trong dài hạn.

Trước những ý kiến trái chiều về cuộc khủng hoảng nhập cư, bà Merkel đã có những động thái được cho là kiềm chế dòng người tị nạn đổ về nước này. Theo đó, những người nhập cư vào Đức sẽ buộc phải học tiếng Đức cũng như văn hóa của quốc gia này. Trong tuyên bố của liên minh Merkel-Seehofer sau cuộc gặp cuối tuần trước, CDU và CSU không chấp nhận việc những người nhập cư không hòa nhập với văn hóa bản địa.

Rõ ràng, Thủ tướng Merkel vẫn kiểm soát được tình hình chính trị trong nước và khi liên minh đảng CSU/CDU vẫn còn thì rất khó để có thể lay chuyển vị thế chính trị của nhà nữ lãnh đạo Đức này.

 

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg