clock

Doanh Nghiệp

05:16 26-03-2016

Một doanh nghiệp đánh mất cả nghìn tỷ lợi nhuận vì muốn giành giật thị phần của Masan, Kinh Đô

Đang là một doanh nghiệp ăn nên làm ra trong ngành nhựa, Ngọc Nghĩa đã quyết định rẽ ngang sang lĩnh vực nước chấm, bánh kẹo.

Sau 6 năm đầu tư, đầu năm 2015, Red River Holding đã chính thức rút lui hoàn toàn khỏi CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa – NNG). Cùng với Vicostone, Everpia thì Nhựa Ngọc Nghĩa nối dài danh sách những thương vụ “bực mình” mà quỹ này đã gặp phải.

Liên tục trong 4 đại hội cổ đông thường niên từ năm 2012-2015, quỹ đầu tư đến từ Pháp đều bỏ phiếu phản đối các nội dung chính mà ban lãnh đạo công ty trình đại hội.

Tuy nhiên, với tỷ lệ biểu quyết hơn 11%, tiếng nói của Red River Holding không đáng kể khi mà chủ tịch của Ngọc Nghĩa, ông La Văn Hoàng cùng gia đình sở hữu trên 70% cổ phần. Không tìm được tiếng nói chung, Red River Holding và Ngọc Nghĩa đã phải nhờ đến trọng tài kinh tế để phân xử.

Bước ngoặt lịch sử

Khi Red River Holding đầu tư vào Ngọc Nghĩa thì doanh nghiệp này là một cái tên đầy sáng giá trong ngành bao bì nhựa, với khách hàng là những tên tuổi hàng đầu trong ngành đồ uống, thực phẩm như Coca Cola, Pepsi, Unilever, Vinamilk…

Cũng trong năm 2009, năm mà Red River Holding đầu tư, Ngọc Nghĩa đã có một quyết định cực kỳ táo bạo: đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm. Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ đây.

Công ty tung ra 2 thương hiệu nước mắm Kabin và Thái Long để cạnh tranh trực tiếp Masan Consumer, doanh nghiệp đang thống trị ngành nước chấm với 70% thị phần nước mắm và nước tương. Bên cạnh đó, Ngọc Nghĩa còn đầu tư vào một công ty bánh kẹo – lĩnh vực vốn thuộc về hầu hết những thương hiệu lâu đời như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà…

Hai lĩnh vực mới này đã lỗ lớn ngay từ khi bắt đầu kinh doanh. Dù việc thua lỗ là có dự liệu trước nhưng dù phải chi rất nhiều cho quảng cáo và phát triển hệ thống phân phối thì doanh thu không được như kỳ vọng.

Tính chung giai đoạn 6 năm từ 2010-2015, mảng thực phẩm của Ngọc Nghĩa mang về 1.300 tỷ doanh thu nhưng cũng lỗ tới 990 tỷ đồng. Mức lỗ này đã lấy đi khoảng 2/3 lợi nhuận do ngành nhựa tạo ra trong khoảng thời gian trên.

Hai công ty trong ngành thực phẩm thua lỗ vượt xa vốn điều lệ khiến do Ngọc Nghĩa liên tục phải cho vay để 2 công ty này có vốn hoạt động. Red River Holding từng phản đối mạnh mẽ việc công ty mẹ cho các công ty con vay vì gây rủi ro rất lớn đến hoạt động của cả tập đoàn.

Lỗ nhưng không nản?

Việc “mắc kẹt” trong ngành thực phẩm khiến Ngọc Nghĩa đã nhiều năm liền chưa trả cổ tức cho cổ đông. Chủ tịch Ngọc Nghĩa đã từng trấn an cổ đông rằng ngành thực phẩm cần 5-10 năm mới thấy kết quả chứ không thể nhìn ngay được.

Không phải cổ đông nào cũng đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Ngay cả Ngọc Nghĩa cũng không thể chịu lỗ mãi. Trong năm 2015, công ty đã quyết định bán lỗ để thoái khỏi mảng bánh kẹo. Đầu tư tổng cộng 322 tỷ và thu về 57 tỷ như vậy Ngọc Nghĩa đã lỗ ròng 265 tỷ từ mảng bánh kẹo.

Với ngành nước chấm, Ngọc Nghĩa vẫn đặt nhiều hy vọng với mục tiêu: “liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững với doanh thu nền tảng tương đương 30% thị phần vào năm 2018”.

Đây có thể coi là “nhiệm vụ bất khả thi” khi mà sự hiện diện của các thương hiệu Kabin, Thái Long vẫn còn rất khiêm tốn. Với mảng nước chấm, dù ghi nhận mức tăng trưởng 39% trong năm 2015 thì doanh thu cũng mới chỉ đạt 400 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng kinh doanh nước chấm-gia vị của Masan Consumer – hiện chiếm trên 70% thị phần nước mắm và nước tương - thu về hơn 5.600 tỷ đồng.

Chịu lỗ cả nghìn tỷ đồng sau 6 năm chỉ để gây dựng được một công ty có doanh thu 400 tỷ đồng rõ ràng là Ngọc Nghĩa đã phải đánh đổi chi phí cơ hội rất lớn.

Với cả nghìn tỷ nếu tái đầu tư cho ngành nhựa, có lẽ khó có doanh nghiệp nào trong ngành có thể đuổi kịp Ngọc Nghĩa. Hoặc công ty có mua lại chính những doanh nghiệp thực phẩm đang làm ăn tốt. Với một nghìn tỷ, The PAN Group đã cùng lúc mua được cả Bibica, Aquatex Bến Tre cộng thêm Lafooco.

Tất nhiên trong kinh doanh luôn tồn tại yếu tố bất ngờ, Ngọc Nghĩa biết đâu có thể làm nên chuyện với ngành nước chấm như Masan đã làm với ngành mì ăn liền. Dù thành công hay thất bại, cuộc phiêu lưu của Ngọc Nghĩa cũng sẽ trở thành một bài học kinh điển về đầu tư trái ngành.

Chặng đường để đạt được 30% thị phần nước chấm của Ngọc Nghĩa còn rất xa

 

Kiến Khang/ Theo Trí thức trẻ