Trong Nước
08:01 22-09-2023Một loài cá mang về cho Việt Nam nửa tỷ USD trong 8 tháng 2023, năm ngoái kiếm 1 tỷ USD
Chỉ riêng tháng 8, loại cá này mang về hơn 87 triệu USD cho Việt Nam. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá này đạt 545 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện giá trị xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ, trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh của của Việt Nam giảm tới 42%, đạt gần 281 triệu USD.
Trong tháng 8 năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính có nhiều biến động. Điểm nổi bật trong tháng 8 là sự tăng trưởng của thị trường Mỹ sau một thời gian sụt giảm liên tục.
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng 8 đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này là do xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tăng 24% trong tháng 8. Nhưng do mức tăng không nhiều nên tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ vẫn giảm gần 45% so với cùng kỳ, đạt gần 208 triệu USD.
Cùng với Mỹ, xuất sang EU lại tiếp tục tăng tốc, với mức tăng 37% trong tháng 8. Đáng chú ý trong tháng 8, xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng tới 45 lần so với cùng kỳ. Cùng với Italy, xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan vẫn tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính nhỏ khác cũng đang có sự tăng trưởng tốt trong tháng 8 là Thái Lan và Philippines.
Xuất khẩu sang Israel sau một thời gian tăng trưởng tốt lại giảm mạnh trong tháng 8, giảm 57%. Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp sang thị trường này giảm mạnh 82% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt nên tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá ngừ sang Israel vẫn tăng 50%.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường thành viên vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada và Mexico đồng loạt giảm sâu trong tháng 8 lần lượt là 53%, 49% và 14%.
Tính tới thời điểm hiện tại, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang dần thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khả năng phục hồi xuất khẩu các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản hay Canada về lại mức của cùng kỳ năm trước rất khó. Nhưng theo thông tin từ các doanh nghiệp, các thị trường đang dần phục hồi.
Giá cá ngừ nguyên liệu trên thế giới giảm đang thúc đẩy nhu cầu của các nhà nhập khẩu trong giai đoạn cuối năm. Do đó, dự kiến nhiều khả năng xuất khẩu cá ngừ trong nhưng tháng tới sẽ trở về mức tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Theo đó, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 99 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, CPTPP, Israrel, Thái Lan, Arập Xêut, Nga, Philippines và Ai Cập là 9 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu.
Riêng với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ năm 2022 đạt gần 487 triệu USD, tăng 44% so với năm trước đó. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các khối thị trường có Hiệp đinh thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam (Hiệp định EVFTA) năm đạt gần 166 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021. Đức, Tây Ban Nha và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thuộc nhóm này.
Tin liên quan
- Tỷ phú Thái Lan quyết tâm theo đuổi Vinamilk sau thương vụ chi 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco
- Đám hỏi của con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Lần đầu tiên một hôn lễ hào môn ở Việt Nam làm điều này
- Việt Nam vừa có thêm một khu kinh tế rộng gần 14.000 ha, cách Hà Nội chưa tới 100 km
- Doanh nhân Phạm Nhật Minh Hoàng là ai?