clock

Trong Nước

08:33 06-01-2024

Một số liệu của nền kinh tế Việt Nam gây ấn tượng cực mạnh, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục

Mặc dù năm 2023 vừa qua có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng có những điểm sáng tích cực.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao kỷ lục

Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Quý 1/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017 - 2022 (33.191 doanh nghiệp).

Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40.000 doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý 4/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017 - 2022.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm 2023. Quý 1 đạt 310.331 tỷ đồng; 397.126 tỷ đồng trong quý 2. Quý 3 và Quý 4 đã tăng lên mức 379.319 tỷ đồng và 434.483 tỷ đồng.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 1.052.575 lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo khu vực kinh tế, năm 2023 có 1.776 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9,3% so với năm 2022; 38.000 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,8%; 119.5000 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 8,3%.

 
Một số liệu của nền kinh tế Việt Nam gây ấn tượng cực mạnh, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục- Ảnh 1.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường ở mốc 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Tính chung trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89.100 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).

Trong bối cảnh đó và trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự báo tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162.500 doanh nghiệp.

Đối với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trên cơ sở tình hình năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh ước thực hiện năm 2024 từ 74.000 doanh nghiệp xuống còn khoảng 68.000 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến sẽ vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng này kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự kiến con số này tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (trong đó, có khoảng 10% là số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường).

Triển vọng cho kinh tế năm 2024

Theo các báo cáo phân tích, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 khá khả quan. Cụ thể, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.

Còn theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mới nhất, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024, đạt 5,8%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, năm 2024 là năm bứt phá của chăặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

 
Một số liệu của nền kinh tế Việt Nam gây ấn tượng cực mạnh, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục- Ảnh 2.

Năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế các quý, năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng phải ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát.

Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.