clock

Trong Nước

07:44 14-11-2015

Muôn nẻo “dặm trường” xuất khẩu

Nhóm sản phẩm công nghiệp là một trụ cột chính trong XK của nền kinh tế, thế nhưng nhiều DN lại đang “than phiền” gặp không ít khó khăn khi tìm đường XK.

Một trong những khó khăn của DN XK là thị trường bị thu hẹp. (Ảnh: TRẦN VIỆT)

Khó giữ thị trường

Cách đây 5-7 năm, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam là DN duy nhất của Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường Campuchia với sản phẩm thép xây dựng. Trung bình mỗi tháng, DN này xuất khẩu được khoảng 5.000-6.000 tấn thép sang Campuchia.

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, là do DN đã “đặt vấn đề” sớm nhất với đối tác. Hơn nữa, nhu cầu xây dựng của thị trường Campuchia lớn là yếu tố thuận lợi giúp DN này xuất khẩu tốt hơn. Tuy nhiên, sự thuận lợi của công ty ông Quang ở thời điểm này gần như không còn và DN gặp không ít khó khăn.

Theo đó, sự xuất hiện của nhiều nhà máy thép trong nước khiến cho DN này bị cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu duy nhất. “Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước để giành thị phần cũng quyết liệt không kém”, ông Quang cho hay. Mặt khác, DN còn chịu sự cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc. Bởi lẽ, hiện nay hầu như các nhà sản xuất thép trong nước đều nhập phôi thép từ Trung Quốc, vì vậy việc tái xuất khẩu sang Campuchia là một bài toán khó nếu phải đối đầu với các sản phẩm từ Trung Quốc.

Khi được hỏi về việc tìm kiếm thị trường thay thế Campuchia, ông Quang nói: “Không phải đến lúc khó khăn như hiện nay chúng tôi mới nghĩ tới việc tìm kiếm thị trường mới. Nhưng quả thực, việc tìm kiếm thị trường mới thực sự là rất khó bởi trình độ công nghệ của DN Việt Nam so với các nước xung quanh chỉ “ngang ngửa” thậm chí còn thấp hơn Thái Lan, Indonesia nên việc xuất khẩu vào các thị trường trong khu vực này rất khó khăn. Đặc biệt, công ty chỉ sản xuất thép xây dựng trong khi lượng thép này đang dư thừa”.

Đối với Công ty Cao su Thống Nhất lại gặp khó khăn về vấn đề giá cả. Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, hiện nay, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất hàng xuất khẩu. Với các sản phẩm phụ tùng ô tô mà chúng tôi tham gia cung cấp, cứ 6 tháng đến 1 năm chúng tôi đều phải có chính sách giảm giá, trong khi yêu cầu về mức độ chính xác ở các sản phẩm cao cấp tăng lên.

Điều này đòi hỏi DN phải liên tục đầu tư đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, những ngành công nghiệp cơ bản và mũi nhọn như hóa chất, kim loại, cơ khí chính xác trong nước hiện nay chưa cung cấp đủ nguyên liệu cơ bản đầu vào, nên một số nguyên liệu phải NK và giá thành cao dẫn đến giảm tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, mức thuế của các linh kiện, phụ tùng NK còn cao. Các chi phí trung gian, gián tiếp cũng còn cao, mặc dù Nhà nước đã có nhiều cải tiến thủ tục và chi phí.

Để DN vững tin

Thừa nhận những khó khăn mà DN nêu lên ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, quá trình toàn cầu hóa, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) làm gia tăng cạnh tranh giữa DN trong nước với DN FDI. Hội nhập cũng làm cho hàng rào phi thuế quan trở nên phổ biến hơn, yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của những nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội, cũng như sản phẩm giá rẻ tràn ngập thị trường. Như vậy, khi hàng rào phi thuế quan các nước dựng lên càng nhiều thì việc DN đối diện với các vụ kiện là khó tránh khỏi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu sẽ không dễ dàng dù thuế xuất khẩu đã được giảm xuống mức khá thấp.

Tuy nhiên, ông Bùi Việt Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Sông Hồng lại nói rằng: “Trong hội nhập, chúng tôi không hề lo lắng bị các DN nước ngoài thâu tóm hay thôn tính. Bởi vì, chúng tôi có đủ bản lĩnh và trí tuệ để điều hành DN của mình”. Vấn đề mà vị lãnh đạo này lo lắng là những bất cập về một số cơ chế chính sách gần đây. Đơn cử như việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên tục yêu cầu tăng mức lương tối thiểu cho công nhân, trong khi lập luận mà họ đưa ra chưa thuyết phục.

“Với chính sách kiểu này, các DN Việt Nam trong đó có chúng tôi bị gia tăng chi phí sản xuất một cách nhanh chóng, giá thành bị đội lên và mất đơn hàng. Hoặc là chúng tôi phải chịu giảm sút lợi nhuận, qua đó không có khả năng tập trung tái đầu tư để phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ những cơ hội lớn mà hội nhập sẽ mang lại. Nếu cởi bỏ được nút thắt này, chúng tôi tin tưởng rằng các DN Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập với sân chơi quốc tế”, ông Quang nói.

Vì vậy, DN này kiến nghị, thay vì việc tạo khó khăn cho DN, Chính phủ nên nhất quán trong các chính sách và cơ chế nhằm đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất, tạo điều kiện cho các DN trong nước tự tin và đứng vững trên đôi chân của mình, sau đó có điều kiện vươn xa mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Hồng nêu quan điểm, để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị phần, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các DN sản xuất nguyên liệu đầu vào để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguyên liệu NK từ nước ngoài. Ngoài ra, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam vào các thị trường tiềm năng và trọng điểm, Nhà nước cần có nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ DN trong việc quảng bá, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường, tìm kiếm và tận dụng tối đa cơ hội, tiềm năng ở những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường đã ký FTA...

 

Theo Báo Hải Quan