clock

Doanh Nghiệp

20:36 13-01-2017

Nan giải bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp gia đình

Vừa qua, sự việc một số doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) thuộc hàng “top” ở nước ta buộc phải bán mình để thoát khỏi khó khăn đã làm dấy lên nhiều nỗi lo sợ về tương lai của nhiều doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp đã tính toán và quyết liệt thực hiện các cuộc tái cấu trúc nhằm đưa doanh nghiệp thoát khỏi sự trì trệ và những vướng mắc do mô hình “gia đình trị” mang lại. Thế nhưng, công cuộc tái cấu trúc đối với các doanh nghiệp gia đình được cho là có nhiều thách thức nhất trong các loại hình doanh nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải với cương vị là CEO trong tình huống của chương trình CEO – Chìa khóa thành công VTV1 để giải bài toán tái cấu trúc

Tái cấu trúc như thế nào ?

Trên thực tế, việc tái cấu trúc DNGĐ không giới hạn ở những công ty đang gặp phải khó khăn, trên bờ vực phá sản trong giai đoạn kinh tế khó khăn mà thậm chí là những công ty đang phát triển tốt cũng cần nhìn nhận vấn đề tái cấu trúc để hệ thống vận hành trơn tru và có hiệu quả nhất. Và trước khi thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, doanh nghiệp cần phải trả lời được những câu hỏi: có nâng cao được năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính không? Có tăng lợi nhuận và mở rộng thị phần không? Có gia tăng giá trị cho các cổ đông và quyền lợi của người lao động không? Tuy nhiên, hầu hết các DNGĐ chưa có sự ưu tiên và đầu tư bài bản cho các hoạt động quan trọng như marketing, thương hiệu, hoạt động về con người, về tài chính, sản xuất… và thiếu sự nhất quán trong thương hiệu và chiến lựơc. Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự lớn mạnh của DNGĐ chính là tư duy chiến lược của các nhà điều hành doanh nghiệp. Tầm nhìn của ban quản trị công ty là một yếu tố cốt lõi. Việc thay đổi để bứt phá được những thói quen làm ăn cũ, văn hóa cũ, mạnh dạn đầu tư, gọi vốn và hướng ra thị trường toàn cầu với những chiến lược rõ ràng thì mới tạo nên sự lớn mạnh.

Một ví dụ điển hình là gốm sứ Minh Long, từ một công ty gốm sứ gia đình, DN đã lớn mạnh, chinh phục nhiều thị trường lớn khó tính trên thế giới. Thành công này có được phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo, năng động và những nỗ lực hướng ngoại không mệt mỏi. Minh Long sớm nhận ra những đồ gốm sứ của Việt Nam còn thô kệch so với các sản phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản… nên đã quyết tâm làm cuộc cách mạng thay đổi vị trí của gốm sứ Việt Nam. Nhưng để thay đổi không đơn giản, nó đòi hỏi sự dũng cảm và kiên định, một tầm nhìn đúng đắn của người lãnh đạo. Việc thay đổi lối tư duy quản trị và văn hóa DNGĐ không phải một sớm một chiều, nhưng nếu người chủ DN không thể thay đổi được nhận thức và quyết tâm “sốc” mọi ngóc ngách của DN để tìm ra “căn bệnh của DNGĐ” được che đậy kĩ càng. Thì cuối cùng chính người lãnh đạo phải gánh hậy quả và khi “chữa” được chúng hay không thì cũng chính là người chủ DN đó chứ không phải là bác sĩ.

Thay đổi tư duy trong quản lý

Nhiều DNGĐ khi tái cấu trúc đã nghĩ đến việc thay đổi bộ máy quản lý cấp cao bằng việc thuê CEO ở ngoài về điều hành công ty. Có rất nhiều DN đã cải tổ thành công bộ máy, thay đổi văn hóa công ty đi theo lề lối tích cực, đưa DN lên một tầm cao mới. Nhưng cũng có những DN gặp phải những khó khăn khi việc thuê CEO về có những quan điểm tái cấu trúc không được những thành viên khác trong gia đình chấp thuận. Đó cũng là câu chuyện của chương trình CEO – Chìa khóa thành công phát sóng trên kênh VTV1 với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Giải pháp tái cấu trúc” vào ngày 15/01/2017 để các chuyên gia phân tích và mổ xẻ vấn đề. Theo đó, chương trình đưa ra câu chuyện của một DN kinh doanh theo mô hình gia đình đang sở hữu năm siêu thị mini. Do áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nên hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh số và lợi nhuận liên tục bị sụt giảm. Chính vì vậy, HĐQT đã quyết định tái cấu trúc toàn bộ DN nhằm cứu vãn tình hình trước khi quá muộn. Bước đầu tiên, DN tiến hành thuê CEO mới phù hợp về thay thế và bàn bạc chuẩn bị quá trình chuyên giao cũng như thực hiện tái cấu trúc, tuy nhiên giữa họ lại có những quan điểm trái ngược nhau.

Bà Dung đang được sự tư vấn của hai chuyên gia trong chương trình

Với vai trò là CEO được thuê cho một DNGĐ trong tình huống này, bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải người điều hành DNGĐ 25 năm chuyên kinh doanh và thương mại các sản phẩm nhôm thanh, phụ kiện, phục vụ ngành xây lắp cửa nhôm đưa ra quan điểm tái cấu trúc DN rằng: “DN hiện tại đang được điều hành theo mô hình gia đình. Các thành viên trong công ty hầu hết là anh, chị, em, con cháu trong một gia đình nên thói quen làm việc theo kiểu gia đình đã ăn sâu vào trong họ. Nên tiến hành mở mới một siêu thị theo mô hình chuẩn, ở đó sẽ áp dụng phương pháp quản trị mới, nhân sự mới được đào tạo chuyên nghiệp, loại bỏ yếu tố gia đình và những yếu điểm của các siêu thị hiện tại. Sau một quá trình, khi mô hình mới thành công thì sẽ lấy đó làm cơ sở để tái cấu trúc cho công ty hiện tại”.

Bàn về vấn đề này Ông Robert Trần - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Đối với bản thân chủ DNGĐ muốn thuê CEO về phải tạo ra một bệ phóng để dẫn hướng cho người CEO mới. Và người nội bộ trong DNGĐ này chính là người hỗ trợ CEO hoàn thành nhiệm vụ tái cấu trúc DN thành công. Tạo dựng giá trị và hình ảnh cho chính bản thân CEO mới, không nên phụ thuộc vào DN thuê mình”. Tiến sĩ Trần Quốc Việt Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc thì cho rằng: “Tái cấu trúc được xem như là một cuộc cách mạng “đổ máu”, cách mạng càng nhẹ nhàng tái cấu trúc càng vô nghĩa còn nếu không gặp bất kì sự phản đối nào thì đó là tái cấu trúc thất bại. Vì vậy, CEO mới phải xây dựng một đội ngũ cùng chí hướng với mình trong DN để thuyết phục chính những người trong DNGĐ này”. Tái cấu trúc doanh nghiệp bao gồm rất nhiều việc phải làm, trong đó, có những việc là hữu hình, có những việc là vô hình. Thay đổi tư duy trong quản lý là tái cấu trúc vô hình nhưng đó lại là nhân tố quyết định đối với sự thành công của toàn bộ chương trình tái cấu trúc DNGĐ hiện nay.

Trong chương trình tuần tới, phát sóng ngày 22/01/2017 vào lúc 10h sáng Chủ nhật, chương trình CEO-Chìa khóa thành công được tài trợ bởi nhãn hàng OTIV sẽ lên sóng với chủ đề “Chiến lược doanh nghiệp – Tìm lại vị thế”. Để tham gia góp ý kiến về chủ đề này, hãy truy cập trang facebook fanpage của chương trình www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình liên hệ theo địa chỉ chiakhoathanhcong@hoanggia.com.vn hoặc đường dây hỗ trợ doanh nghiệp: 098.148.6868.

 

 

VICHI