clock

Trong Nước

08:37 19-11-2015

Ngành dược quý III: Sự vực dậy của những “ông lớn”

Nếu như quý II/2015 là một quý đáng buồn đối với các "ông lớn" trong ngành như DHG hay TRA khi lợi nhuận có phần giảm sút thì sang quý này lại là một sự quay trở lại khá ấn tượng.

"Miếng bánh" dành cho các "ông lớn"
Theo tổng hợp của BizLIVE, sau khi đón nhận thêm "tân binh" CTCP Dược Phẩm TW3 (mã DP3) mới lên sàn HNX hôm 17/7, tổng doanh thu thuần của 16 doanh nghiệp dược niêm yết kỳ này đạt hơn 5.853 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng lợi nhuận sau thuế tăng tới 14,6%, đạt gần 350 tỷ đồng.
Trong kỳ này, tất cả các doanh nghiệp dược đều báo lãi, trong đó, có 8 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và 7 doanh nghiệp có tăng trưởng âm.
Với lợi thế quy mô và mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, Dược Hậu Giang (DHG) tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận trong ngành với việc lãi gần 163 tỷ đồng, chiếm tới 46,6% tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Trong kỳ, doanh thu DHG tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 991 tỷ đồng, chủ yếu là từ bán thành phẩm, chiếm 70% tổng doanh thu. Giá vốn hàng bán tăng 51% lên gần 627 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 364 tỷ đồng, giảm 26,1% so với quý III/2014.
Tuy nhiên, các khoản mục chi phí khác lại được cắt giảm như chi phí bán hàng (giảm 58%) và chi phí quản lý (giảm 10%).
Sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận của cổ đông thiểu số, công ty mẹ lãi ròng gần 163 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Traphaco cũng là một trong những "ông lớn" có bước đột phá trong kỳ khi ghi nhận lãi ròng lớn thứ hai với mức lãi gần 46 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi quý II/2015, doanh nghiệp chỉ lãi 36,8 tỷ đồng, giảm 10,2%.
CTCP Dược phẩm OPC (mã OPC) tiếp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Cụ thể, kết thúc quý III, OPC đạt gần 167 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng tới 55%, đạt gần 17 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp vừa có kết quả kinh doanh vượt bậc trong quý II/2015 thì sang tới quý III này lại có chiều hướng "tụt lùi".
Nếu như trong quý II, CTCP  Dược Phẩm Bến Tre (DBT) là một trong những doanh nghiệp đạt kết quả ẩn tượng với lợi nhuận tăng trưởng tới 86% thì trong quý này, lãi ròng chỉ đạt con số khiêm tốn hơn 1,1 tỷ đồng, tương đương với việc giảm tới 58% so với cùng kỳ năm trước. 
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút là do chi phí tài chính tăng tới 3 lần từ 2.5 tỷ đồng lên đến hơn 7 tỷ đồng và chi phí bán hàng vẫn ở mức quá cao, 17 tỷ, khiến cho lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 128 triệu đồng.
Tương tự, CTCP SPM cũng có một kỳ kinh doanh khá ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 75%, xuống còn hơn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do doanh thu giảm sút (giảm 21%) trong khi chi phí khác lại tăng vọt 155,6%.
Sẽ gặp khó khi Việt Nam vào TPP
Trong thời gian tới, khi Việt Nam gia nhập TPP, việc đấu thầu thuốc sẽ công khai, công bằng, minh bạch, các hãng dược trên thế giới đều có thể tham gia cùng các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sẽ có một sự cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài. 
Theo ông Nguyễn Quốc Lập, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội công ty TNHH Dược Tín Đức, các hãng dược trên thế giới đều là những tập đoàn, hãng dược đa quốc gia có thế mạnh về vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ marketing và kinh doanh. Với lịch sử phát triển lâu đời, họ có trong tay những bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền. Tham gia TPP, đồng nghĩa với việc chấp nhận họ sẽ bước chân vào thị trường Việt Nam với một cơ chế mở cửa và bình đẳng.
Bên cạnh đó, Hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp giảm hàng rào thuế quan (thuế nhập khẩu dược phẩm trung bình giảm từ 2,5% về 0%), mở rộng cơ hội cho thuốc từ các quốc gia châu Mỹ thâm nhập thêm vào thị trường Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội.

 

Theo Bizlive