clock

Tài Chính

08:43 20-07-2023

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu”

Chốt phiên, PVP giao dịch tại mức 15.400 đồng/cp, tăng 48% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023.

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu” - Ảnh 1.

Ngay sau khi công bố BCTC quý 2/2023, cổ phiếu PVP của CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương bật trần với dư mua lớn. Chốt phiên, PVP giao dịch tại mức 15.400 đồng/cp, tăng 48% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023.

Được biết, PVP là đơn vị đang chịu trách nhiệm về mảng vận tải dầu thô và mảng FSO/FPSO. Hiện tại, PVT Appollo - tàu chở dầu thô có tải trọng 105.000 DWT (do PVP sở hữu) đang hoạt động trên thị trường quốc tế. Website của công ty giới thiệu công ty là đơn vị vận chuyển dầu thô duy nhất tại Việt Nam.

Về kinh doanh, trong quý 2/2023 PVP ghi nhận doanh thu thuần 360 tỷ đồng – tăng 8% so với quý 2/2022. Đặc biệt, doanh thu tài chính tăng mạnh gấp 3,5 lần. Khấu trừ, PVP đạt lãi ròng 55 tỷ đồng, tăng 236% so với cùng kỳ.

Phía PVP cho biết, lợi nhuận tăng tốt do đội tàu của Pacific tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt. Ngoài ra, Công ty còn có đầu tư thêm tàu Pacific Era, góp phần làm tăng doanh thu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVP ghi nhận doanh thu thuần 665 tỷ đồng và lãi ròng 102 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% và 230% so với cùng kỳ.

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu” - Ảnh 2.

Cùng với PVP, loạt cổ phiếu vận tải dầu khí cũng “bốc đầu”. Bật trần còn có CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO) , chốt phiên tại 9.810 đồng/cp, thanh khoản hơn 3,5 triệu đơn vị. Tương tự PVP, mã VTO cũng thiết lập một xu hướng tăng tốt trong 3 tháng qua.

Được biết, VTO là công ty con của Tập đoàn Petrolimex (PLX) chủ yếu vận chuyển nhiên liệu cho công ty mẹ Petrolimex.

Năm 2022, VTO ghi nhận khởi sắc trở lại trong giai đoạn cuối năm nhờ giá cước vận tải có xu hướng tăng, đạt 1.180 tỷ doanh thu và 73 tỷ lãi ròng, vượt 284% kế hoạch. Sang quý 1/2023 VTO tiếp đà tăng với lãi ròng 14 tỷ - cao gấp 6 lần cùng kỳ.

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu” - Ảnh 3.

Thanh khoản hàng triệu cổ phiếu còn có VIP của CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco. Trong phiên, VIP cũng sớm bật trần, dù vậy có sự giảm nhiệt về cuối phiên và dừng tại mức 12.000 đồng/cp – tăng 33% từ mức đáy hồi cuối tháng 3.

 

VIP cũng là công ty con cửa Tập đoàn Petrolimex. VIP và VTO đang quản lý đội tàu chở xăng dầu thành phẩm với tổng tải trọng trên 300.000 DWT và chỉ vận chuyển cho công ty mẹ.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, hưởng lợi bởi giá cước vận chuyển tăng cao, năm 2022 Công ty đạt hơn 1.123 tỷ doanh thu – tăng 15% so với năm 2021. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 308 tỷ - thực hiện đến 615,5% kế hoạch đề ra.

Theo VIP, lợi nhuận tăng đột biến ngoài nguyên nhân đến từ giá cước tăng cao thì còn đến từ việc bàn tàu Petrolimex 10 vào tháng 12/2022 và thu về khoản lợi nhuận 217,7 tỷ đồng.

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu” - Ảnh 4.

Hay CTCP Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (GSP), chốt phiên hôm nay thị giá tăng tốt lên 12.100 đồng/cp, tức tăng hơn 15% sau 3 tháng giao dịch. Cùng với PVP, GSP là công ty con của PVTrans, hiệ đang khai thác 6 tàu chở LPG với tải trọng 18.000 DWT và 2 tàu xăng dầu thành phẩm có tải trọng 40.000 DWT (mới đầu tư trong 2021 và 2022).

Về hoạt động kinh doanh, GSP đạt lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 84 tỷ - tăng 29%. Quý 1/2023 lãi ròng 21 tỷ - tăng 29% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp tăng 8%. Trong năm 2023, GSP có kế hoạch đầu tư mới 1 tàu chờ dầu/hoá chất có tải trọng từ 10.000 – 25.000 DWT với mức vốn dự kiến là 20 triệu USD.

Ngay sau tin lãi lớn, cổ phiếu của công ty vận tải dầu thô duy nhất Việt Nam bật trần, kéo cả họ vận tải dầu khí cùng “bốc đầu” - Ảnh 5.

Được biết, đà tăng của nhóm vận tải dầu khí diễn ra trong bối cảnh giá cước tăng trở lại. Bởi, khủng hoảng địa chính trị Nga – Ukraine đã định hình lại dòng chảy dầu thô trên toàn cầu. Mỹ và các nước EU đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, nổi bật trong đó là việc “cấm nhập khẩu khí đốt và dầu thô từ Nga”.

Do đó, các nước EU đã chuyển hướng sang các nguồn cung khác, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Đông. Đối với Nga, họ xoay trục xuất khẩu dầu thô sang châu Á với 2 cái tên nhập khẩu lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Chính điều này đã khiến dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu bị đảo lộn.

Theo Clarsons Research, ước tính nhu cầu vận tải dầu thô sẽ tăng nhẹ trong hai năm tới do việc tái định hình lại các tuyến đường vận chuyển dầu thô. Trong khi đó, nguồn cung tàu chở dầu thô dự kiến sẽ tăng khiêm tốn, tạo điều kiện thuận lợi cho giá cước thuê tàu chở dầu thô.

Trước cơ hội lớn khi giá cước vận tải dầu tăng mạnh, chuyên gia nhận định các doanh nghiệp vận tải dầu thô trong nước sẽ được hưởng lợi lớn. Từ năm 2023, theo chuyên gia lợi nhuận của nhóm ngành này tiếp tục được duy trì ở mức cao.